Cảnh giác với thời tiết cực đoan ở giai đoạn giao mùa
Trật tự - Ngày đăng : 09:11, 26/04/2022
Cuối tháng 3 vừa qua, tại xã Đắk Gằn (Đắk Mil), mưa lớn kèm theo giông lốc đã gây ra nhiều thiệt hại về cây trồng, tài sản của cơ quan, doanh nghiệp và người dân, nhất là tại khu vực thôn Bắc Sơn.
Theo thống kê của chính quyền địa phương, có 14 ngôi nhà dân bị tốc mái, 25m tường rào trụ sở UBND xã Đắk Gằn bị sập, 1.000 m2 nhà kính của trang trại hư hỏng...
Thiên tai cũng khiến cho 21.000 cây điều, 530 cây cao su, trên 1.000 trụ tiêu của các hộ dân bị gãy đổ. Ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra trong đợt này vào khoảng 8 tỷ đồng.
Ngày 27/3/2022, giông lốc đã làm gãy đổ nhiều vườn cao su tại xã Đắk Sin (Đắk R'lấp) |
Theo ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn, thời tiết cực đoan thường xảy ra hằng năm trên địa bàn, nhất là trong khoảng vài tháng đầu mùa mưa. Dù địa phương, người dân đã có nhiều cảnh giác, nhưng hậu quả thiên tai vẫn xảy ra.
Theo phòng NN - PTNT huyện Đắk Mil, ngày 1/4/2022, tại các xã Đức Mạnh, Đắk N’Drót, mưa lớn kèm lốc xoáy đã làm tốc mái 13 ngôi nhà và 2 nhà vòm của các hộ dân.
Tổng mức thiệt hại do thiên tai ở 2 xã này ước tính lên đến vài tỷ đồng. Ngay sau khi xảy ra thiên tai, các hộ dân cùng với sự giúp đỡ của các lực lượng tại chỗ, chính quyền địa phương đã chủ động khắc phục, sửa chữa nhà cửa, công trình.
Không chỉ tại Đắk Mil, ngày 19/3/2022, tại xã Quảng Sơn (Đắk Glong), mưa lớn, lốc tố đã tốc mái, hư hỏng 51 căn nhà của các hộ dân. Ngày 27/3/2022, tại xã Đắk Sin (Đăk R’lấp) mưa lớn kèm lốc xoáy đã làm gãy đổ hàng ngàn cây cao su, điều của nhiều hộ dân...
Năm 2021, giông lốc gây nhiều thiệt hại đối với người trồng sầu riêng (Ảnh: Lốc xoáy làm gãy sầu riêng tại trang trại Gia Trung, TP. Gia Nghĩa) |
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mưa lớn kèm lốc tố là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra vào các thời điểm giao mùa trên địa bàn các huyện, thành phố.
Những năm gần đây, trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, mưa lớn, kèm lốc tố xảy ra nhiều, trong thời gian ngắn theo kiểu “đến nhanh, đi nhanh”, nhưng để lại hậu quả rất lớn.
Loại hình thiên tai này xuất phát từ hoàn lưu các đới gió trong thời gian chuyển mùa, cộng với đặc điểm địa hình tương đối phức tạp, chia cắt theo đồi bát úp và có độ dốc lớn ở Tây Nguyên.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Ðắk Nông, mưa lớn, lốc tố, có thể kèm mưa đá thường xảy ra vào khoảng từ tháng 3-6 hằng năm. Các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi loại thời tiết này gồm: Krông Nô, Ðắk R’lấp, Tuy Ðức, Ðắk Glong... |
Thời gian qua, UBND tỉnh đã đẩy mạnh chỉ đạo, điều hành trong công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, trong đó có giông, lốc, sét, mưa đá.
Tỉnh đã kiện toàn bộ máy chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp gắn với từng vùng, nhất là địa bàn trọng điểm. Bằng các nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai.
Tuy nhiên, trên thực tế, thiên tai vẫn gây ra thiệt hại lớn về người và của. Do đó, các cấp, ngành, người dân cần thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, cảnh báo nguy hiểm để chủ động, kịp thời phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.