Có công an chính quy về, bà con rất yên tâm! (kỳ 2): Không ngại gian khó
Trật tự - Ngày đăng : 08:57, 22/06/2022
Như làm dâu trăm họ
Trong số 60 trưởng công an xã trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 6 người là nữ, trong đó có Trung tá Trần Thị Thu Hiền, được điều động về làm Trưởng Công an xã Đắk Lao (Đắk Mil) vào tháng 7/2019.
Với tinh thần "Vì nhân dân phục vụ", cộng với nhiệt huyết, nhạy bén, sâu sát cơ sở, không ngại va chạm, Trung tá Hiền đã cùng với tập thể Công an xã Đắk Lao đã làm tốt công tác bảo đảm ANTT, giữ gìn bình yên ở địa bàn biên giới, được cấp ủy, chính quyền và người dân ghi nhận, tin tưởng, quý mến.
Trung tá Hiền chia sẻ: "Hồi mới về nhận công tác, tôi phải học hỏi từ đồng đội rất nhiều, bởi công việc ở cơ sở hoàn toàn mới, nhiệm vụ lại nặng nề. Quả thực làm công an xã như làm dâu trăm họ vậy, từ việc to đến việc nhỏ, người dân đều gọi điện như: mất điện đột ngột, mất chiếc xe, con gà, thậm chí vợ chồng đánh chửi nhau cũng gọi tới công an. Nhiều lúc đang ăn cơm, có người gọi tới cũng phải buông bát, vừa đặt lưng xuống ngủ chuông điện thoại lại reo".
Trung tá Hiền tâm sự thêm: “Có tối đã khuya có người gọi tới báo một gia đình trên địa bàn xảy ra bạo lực gia đình. Anh chồng này mới ngoài 30 tuổi nhưng nghiện rượu, cứ say rượu là đánh chửi vợ, khiến cô vợ rất khổ sở. Tôi có mặt can thiệp kịp thời nên không xảy ra hậu quả. Những ngày sau tôi tìm cách khuyên can người chồng bỏ rượu chè chăm lo cho gia đình. Mưa dầm thấm lâu, một thời gian anh chồng tỉnh ngộ, không rượu chè bê tha nữa, chăm lo làm ăn, kinh tế gia đình dần khá lên. Khi gia đình đã êm ấm, anh chồng rất quý mến tôi, xem tôi như một người chị, thậm chí khi tôi ốm còn thăm nom. Sự tin tưởng, yêu mến của người dân là động lực để tôi cùng đồng đội hết lòng vì công việc".
Quá trình công tác, Trung tá Hiền được Bộ Công an tặng 3 bằng khen, UBND tỉnh Đắk Nông tặng 1 bằng khen, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Đắl Mil tặng nhiều giấy khen về thành tích xuất sắc trong công tác và 2 năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Công an xã Ðắk Hòa (Ðắk Song) tuyên truyền người dân về tội phạm trộm cắp tài sản |
Ðược dân mến, dân thương
Về công tác tại xã Đắk Ha (Đắk Glong) từ tháng 12/2019, Trung tá Trương Minh, Trưởng Công an xã Đắk Ha phải xa gia đình, việc nhà cửa, chăm sóc con cái giao hết cho vợ. Ở một địa bàn tương đối phức tạp về ANTT, nhất là tội phạm trộm cắp tài sản, cho vay nặng lãi, tội phạm về ma túy nên công việc của Trung tá Minh và đồng đội rất vất vả.
Xác định trách nhiệm của mình là bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân, Trung tá Minh và đồng đội lúc nào cũng tất bật với công việc. Sau buổi giao ban đầu ngày, các cán bộ, chiến sĩ lại thay nhau đi tuần tra, nhắc nhở người dân không tụ tập buôn bán, lấn chiếm lòng lề đường; nhắc nhở những thanh niên đi xe không đội mũ bảo hiểm, lạng lách…Ngày mùa thu hoạch, các anh còn tuần tra ban đêm để bảo vệ tài sản cho người dân.
Trung tá Minh chia sẻ: “Từ việc trộm vặt, có người lạ mặt khả nghi cho tới hàng xóm hát karaoke ồn ào… người dân cũng gọi. Những lúc như vậy chúng tôi đi ngay, nên người dân ngày càng thương yêu, xem chúng tôi như những đứa con của bon làng. Khi đã thương yêu có việc gì vui, buồn bà con cũng gọi điện chúng tôi tới chia sẻ. Có lẽ công an xã chúng tôi là người uống nước, ăn cơm với người dân nhiều nhất".
Ông K’Ngai ở bon Tinh Wel Đăng, xã Đắk Ha tâm sự: “Từ khi có công an chính quy về địa bàn, người dân chúng tôi rất yên tâm. Có mặt các anh, tội trộm cắp ít hẳn đi, thanh thiếu niên lêu lổng cũng bớt quậy phá vì thường xuyên bị gọi răn đe. Ngày mùa, có các anh công an bảo vệ, bà con không còn lo mất cà phê như những năm trước. Chúng tôi rất mến và thương các chú công an vì người dân mà không quản ngại gian khó”.
Công an xã Quảng Hòa (Đắk Glong) phát tờ rơi tuyên truyền về thủ đoạn các loại tội phạm cho người dân |
Vượt khó
Theo Công an tỉnh Đắk Nông, hiện tại mới có 6/60 xã có trụ sở công an xã, số còn lại đều chưa có trụ sở riêng. Đây là một trong những khó khăn nhất mà lực lượng công an xã đang trải qua. Phần nhiều công an xã được chính quyền địa phương dành cho 1-2 phòng tại trụ sở; nhiều nơi còn phải mượn tạm phòng học, thậm chí hội trường thôn hay nhà dân làm nơi làm việc.
Việc không có trụ sở làm việc khiến cho lực lượng công an xã rất vất vả, bởi hầu hết cán bộ, chiến sĩ đều xa nhà, thường phải ở lại ngay trụ sở. Rất nhiều nơi phải cơi nới thêm bằng tôn, hay bất cứ vật liệu gì để làm nơi nấu ăn, nghỉ ngơi. Việc không có trụ sở còn gây khó cho nghiệp vụ công an như giữ phương tiện, vật chứng, tạm giữ người theo thẩm quyền.
Theo Đại tá Bùi Quang Thanh, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, về vấn đề này, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã kiến nghị với tỉnh và các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lực lượng công an xã. Về lâu dài, các địa phương cần bố trí quỹ đất, kinh phí hoặc vận động kinh phí để xây dựng trụ sở cho công an xã bởi Công an tỉnh không có nguồn vốn lớn này. Trước mắt, Công an tỉnh đã đề xuất với Bộ Công an đầu tư kinh phí xây dựng 7 trụ sở công an các xã biên giới.
Để hỗ trợ, trong 2 năm qua, Bộ Công an đã trang bị 7 chiếc ô tô chuyên dùng cho công an 7 xã biên giới. Các xã còn lại cũng đã được trang bị xe máy chuyên dùng, mỗi xã 2 chiếc để cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ.
>> Kỳ 3: Giữ vững thế trận an ninh nhân dân