“Luồng sinh khí” ở các bon làng Chư Jút

Văn hóa - Ngày đăng : 10:44, 29/03/2012

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Chư Jút hiện có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, với hơn 19.306 hộ dân; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số là 8.959 hộ, chiếm 49,03% dân số...

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Chư Jút hiện có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, với hơn 19.306 hộ dân; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số là 8.959 hộ, chiếm 49,03% dân số. Trong những năm gần đây, thông qua việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến đáng kể, ngày càng được nâng cao. Hiện toàn huyện có 7.177 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu, chiếm 80,1%.

Lễ rước K’pan của đồng bào Ê đê đã được khôi phục một cách nguyên bản

Có thể nói, về khía cạnh làm ăn kinh tế, đồng bào đã biết ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng chủ lực như lúa nước, cao su, cà phê, tiêu, khoai lang xuất khẩu… Nhiều hộ gia đình đồng bào đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng theo hướng chất lượng cao, mở rộng quy mô sản xuất trang trại. Vì vậy, số hộ nghèo ngày càng giảm, số hộ giàu tăng lên, nhiều gia đình đã có của ăn của để, không còn chật vật như trước. Hiện nay, 100% hộ gia đình đồng bào được sử dụng điện lưới quốc gia; 80% gia đình có xe gắn máy và các phương tiện hiện đại phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Đường vào các thôn, buôn, bon đều được rải nhựa và bê tông hóa, tạo nhiều thuận lợi để bà con lưu thông, sinh hoạt, trao đổi hàng hóa. Đơn cử như gia đình ông Y Bhit ở bon U2, thị trấn Ea T’ling từ một hộ nghèo đã vươn lên làm ăn khá giả, nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu. Với 2 ha đất sản xuất, ông đã mạnh dạn trồng xen canh cây cà phê, tiêu cùng một số loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, hàng năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Hay như gia đình ông Lò Văn Khiêm ở thôn Thanh Tâm, xã Ea Pô, dù có con một bề, nhưng cũng đã quyết tâm “kế hoạch”, dừng lại ở hai con để tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Theo như ông tâm sự thì có được điều đó, một phần lớn là nhờ vào việc gia đình luôn có ý thức trong việc thực hiện cuộc vận động một cách tự nguyện, vì cuộc sống hạnh phúc gia đình và vì cộng đồng xung quanh.

Không chỉ đời sống vật chất mà đời sống tinh thần của đồng bào cũng có nhiều thay đổi. Bên cạnh việc bài trừ những hủ tục mê tín, dị đoan thì những phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa của dân tộc luôn được đồng bào lưu giữ và phát huy một cách hiệu quả. Thực hiện nếp sống văn minh, đồng bào ngày càng nâng cao nhận thức trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường bon làng, không còn tình trạng chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông, biết làm chuồng trại cách xa khu vực nhà ở, hạn chế ô nhiễm, dịch bệnh. Không chỉ góp công, góp của mà đồng bào cũng luôn sẵn sàng hiến đất để mở rộng giao thông, xây dựng các công trình dân sinh, phục vụ cuộc sống, giúp bon làng ngày càng khang trang, sạch đẹp. Cùng với đó, một số lễ hội truyền thống của đồng bào cũng được phục dựng như lễ cúng bến nước, lễ ăn cơm mới, lễ rước K’pan… Hàng năm, các lễ hội thường được tổ chức ở các bon làng, góp phần giáo dục các thành viên trong cộng đồng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Theo ông Ngô Lãm, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chư Jút thì cuộc vận động thực sự là một “luồng sinh khí” cho các bon làng. Có được những kết quả trên là nhờ cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo cũng như sự ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân. Với sự chung tay, góp sức của cộng đồng các dân tộc thiểu số đã làm cho bộ mặt nông thôn huyện ngày càng khởi sắc, góp phần thúc đẩy Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả trong thời gian tới.

Mỹ Hằng