Tuy Đức chú trọng bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc

Văn hóa - Ngày đăng : 08:32, 03/05/2014

Bám sát Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc tại chỗ” của tỉnh, huyện Tuy Đức đã cụ thể hóa các hoạt động bằng chương trình hành động, tạo cơ sở để thúc đẩy thực hiện có hiệu quả đề án..

Trên cơ sở đó, ngành văn hóa huyện  đã triển khai công tác sưu tầm, phục dựng các loại hình văn hóa truyền thống của địa phương theo từng nội dung của đề án. Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiện có  61 bộ chiêng, 1 nghệ nhân chỉnh chiêng, 24 nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng, 72 nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng, 7 đội nghệ nhân đánh chiêng ở các bon đồng bào dân tộc thiểu số.

Nghệ nhân Y Rắc, ở xã Đắk R'tíh biết chơi nhiều nhạc cụ và hát dân ca M'nông

Các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào cũng được khôi phục như: lễ mừng mùa, lễ phát rẫy, lễ sum họp cộng đồng, lễ cắm nêu cúng lúa, hát sử thi, dân ca M’nông. Đi kèm với các hoạt động lễ hội là trang phục truyền thống, ẩm thực, cồng chiêng, nghệ thuật diễn xướng mang đậm bản sắc văn hóa được trình diễn, giữ gìn và phát huy.

Để xây dựng lớp nghệ nhân kế cận, huyện đã tổ chức được 8 lớp truyền dạy cồng chiêng, 2 lớp chế tác nhạc cụ, 2 lớp hát dân ca, 1 lớp làm cây nêu và đan lát, thu hút khoảng 600 lượt thanh niên, học sinh tham gia. Hàng năm, ngành văn hóa còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc..., tạo sân chơi lành mạnh và sự giao lưu văn hóa  giữa đồng bào các dân tộc với nhau...

Điều đáng nói, mặc dù kinh phí cho các hoạt động này còn hạn hẹp, nhưng hàng năm, cùng việc với trích một phần ngân sách, huyện cũng kêu gọi được các tổ chức, đơn vị, cá nhân đóng góp để tổ chức các hội thi văn hóa, văn nghệ. Huyện còn vận động các nghệ nhân có kinh nghiệm tổ chức các lớp tập huấn, dạy đánh cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát…cho thế hệ trẻ ở các bon làng.

Các nghi lễ truyền thống cũng được thường xuyên tổ chức ở các bon làng, góp phần động viên, khuyến khích đồng bào các dân tộc gìn giữ, phát huy các bản sắc văn hóa của mình. Hàng năm, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp cũng quan tâm đến việc mở các lớp dệt thổ cẩm, đan lát… cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, hiện 6 xã trong huyện đều thành lập được các đội văn nghệ dân gian, câu lạc bộ cồng chiêng, câu lạc bộ hát chèo. Ngoài một phần hỗ trợ của huyện thì việc sinh hoạt của hầu hết các câu lạc bộ đều dựa vào kinh phí của các thành viên đóng góp nên hoạt động rất hiệu quả, thường xuyên, thực sự là sân chơi lành mạnh của đông đảo nhân dân.  

Theo ông Phan Xuân Thạch, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuy Đức, thì địa phương có nhiều dân tộc anh em cùng nhau sinh sống đã tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu. Trong đó, đồng bào M’nông vẫn gìn giữ khá nguyên vẹn những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành văn hóa địa phương tổ chức các hoạt động bảo tồn, phục dựng lại các nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào bản địa.

Với lợi thế của địa phương là có nhiều nghệ nhân am hiểu về văn hóa các dân tộc nên huyện đã khuyến khích, vận động đưa họ vào trong các chương trình thực hiện đề án. Điều đáng mừng là hầu hết các nghệ nhân đều phát huy vai trò, tâm huyết của mình trong việc truyền dạy cho các thế hệ sau về các nhạc cụ, cồng chiêng cũng như vốn hiểu biết về bản sắc văn hóa của dân tộc. Được truyền dạy khá bài bản, trong thế hệ trẻ hôm nay cũng dần xuất hiện một số nghệ nhân đa tài, đa năng, có thể kế cận, tiếp nối việc giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

Hưng Nguyên