Khai thác tiềm năng, tạo ra sản phẩm du lịch riêng biệt
Văn hóa - Ngày đăng : 09:18, 01/08/2014
Hội thi ẩm thực tại Lễ kết nghĩa các bon ở bon Bu P'râng, xã Đắk N'drung (Đắk Song). Ảnh: Ngọc Tâm |
"Đặc sản" du lịch văn hóa
Trong hoạt động của Tuần lễ Văn hóa-Du lịch Đắk Nông, hình ảnh của một vùng đất Đắk Nông đa dạng về dân tộc, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống đã được thể hiện qua việc phục dựng 3 lễ hội truyền thống.
Trong đó, Lễ cúng mừng thu hoạch lúa được mùa và Lễ cầu mưa truyền thống của người M’nông được tổ chức tại các huyện Đắk Song và Tuy Đức. Địa điểm tổ chức lễ hội diễn ra ngay chính trong bon làng M’nông nơi còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Vì vậy, không những người dân tại chỗ được thưởng thức sản phẩm văn hóa truyền thống dân tộc mình, mà đông đảo du khách đã được khám phá một hoạt động văn hóa truyền thống không một chút sân khấu hóa.
Với những hình ảnh quen thuộc như: cây nêu, rượu cần, nhịp chiêng, điệu múa truyền thống…, du khách được chứng kiến lễ hội trong không khí âm vang tiếng chiêng, lời dân ca vang vọng giữa đại ngàn.
Già Điểu Tiêng, ở bon Bu Kok, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) - người trực tiếp làm lễ trong Lễ hội cúng mưa đầu mùa của người M’nông cho biết: “Theo quan niệm của người M’nông, mưa đầu mùa là cơn mưa độc nên cần tổ chức lễ cúng cầu may, giải độc. Lễ cúng tạo mối quan hệ đoàn kết cộng đồng cùng thiên nhiên, là dịp để người dân chia sẻ, giúp đỡ nhau và cầu mong cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc đến với mỗi gia đình trong bon làng”.
Không chỉ đưa các nghi lễ truyền thống các dân tộc vào Tuần lễ Văn hóa-Du lịch một cách đơn thuần mà đây cũng được xem là hướng phát triển của du lịch tỉnh trong thời gian tới. Với một vùng đất có hơn 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, thì cùng với các đề án bảo tồn, phát huy các giá trị hoa văn, cồng chiêng, nhạc cụ các dân tộc, tỉnh đã phục dựng được 40 lễ hội, được xem là lợi thế để du lịch văn hóa phát huy thế mạnh của mình.
Cùng với đó, du lịch sinh thái với thác, hồ, gắn với du lịch tâm linh trong những ngày diễn ra sự kiện Tuần lễ Văn hóa-Du lịch cũng được xem là những sản phẩm du lịch được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển trong thời gian tới.
Ông Bùi Quang Mích, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch cho biết: “Việc tổ chức các hoạt động phục dựng lễ hội được tổ chức tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là nhằm góp phần quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh để các nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch”.
Đắk Nông có nhiều thế mạnh
Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thì dưới góc nhìn của người làm du lịch, có thể nói, Đắk Nông có nhiều thế mạnh về du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái gắn với thác, hồ, du lịch nghỉ dưỡng.
Vùng đất có 40 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có một bản sắc riêng, nên đây là một sản phẩm du lịch rất độc đáo và cần khai thác để phát triển du lịch. Văn hóa gắn liền với dòng sông, con suối, thác nước, con người, tất cả tạo nên một bản sắc riêng không nơi nào có được.
Khách du lịch muốn lên Đắk Nông để sống, cảm nhận thực sự không gian văn hóa của các dân tộc. Các thác, hồ ở Đắk Nông thường gắn liền với những câu chuyện sử thi, huyền thoại mà khách du lịch rất muốn đến để khám phá. Để biến những tiềm năng thác, hồ trở thành điểm tham quan du lịch, thì cần phải giữ gìn tôn tạo, “thổi hồn” cho những cảnh quan đó.
Về du lịch sinh thái nghỉ dưỡng thì Đắk Nông có rất nhiều tiềm năng, một không gian khí hậu ôn đới trong lòng nhiệt đới, du khách rất muốn cảm nhận kiểu khí hậu này. Ngoài ra, Đắk Nông còn có các sản phẩm du lịch tiềm năng khác như: du lịch khám phá, du lịch ẩm thực, các di tích lịch sử rất phong phú, đa dạng, nếu đưa vào hệ thống tuor du lịch chắc chắn sẽ rất hấp dẫn.
Cũng theo ông Hưng thì để phát huy được tiềm năng du lịch, tạo ra được những sản phẩm du lịch riêng biệt với các tỉnh trong khu vực thì tỉnh cần có nguồn nhân lực cần thiết, nhất là vấn đề quản lý nhà nước về du lịch. Sản phẩm du lịch phải hấp dẫn, thu hút được khách du lịch khám phá những riêng biệt của vùng đất Đắk Nông.
Một vấn đề nữa trong việc phát triển du lịch đó là liên kết khu vực để xây dựng các sản phẩm du lịch liên hoàn, các tour du lịch hấp dẫn. Sự định hướng đầu tư phát triển dựa trên những tiềm năng vốn có sẽ tạo cho du lịch Đắk Nông những sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có để cạnh tranh và tạo sức hút khách du lịch trong và ngoài nước trong thời gian tới.