Xúc động thư Trung thu của Bác Hồ gửi thiếu nhi
Văn hóa - Ngày đăng : 09:19, 05/09/2014
Bởi thế cho nên dù bận "trăm công nghìn việc" nhưng không lúc nào Người sao nhãng việc động viên, răn dạy thế hệ mầm non của đất nước. Trong mỗi dịp Trung thu, Bác Hồ thường gửi gắm niềm nhớ thương tới các cháu thiếu nhi qua từng con chữ. Những phong thư này không chỉ gây xúc động cho thế hệ thiếu nhi lúc bấy giờ, mà ngày nay, những vần thơ, câu văn đó vẫn còn nguyên giá trị.
Thanh thiếu nhi cùng quây quần bên Bác Hồ. Ảnh tư liệu |
Trung thu năm 1941, năm mà Bác trở về sau 30 năm bôn ba khắp thế giới để tìm đường cứu nước, Người đã gửi bức thư chúc Tết cho trẻ em. Đó là một bài thơ bày tỏ sự xót thương đối với các cháu thiếu nhi đang tuổi ăn tuổi ngủ nhưng lại phải quán xuyến nhiều công việc bởi đất nước đang trong chiến tranh:
"Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan
Chẳng may vận nước gian nan
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng
Học hành, giáo dục đã thông
Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa…"
4 năm sau, khi cuộc cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội, Bác Hồ đã viết một bài báo "Tết Trung thu với nền độc lập" in trên báo Cứu Quốc số 45. Trong đó, Người đã dặn dò các cháu thiếu nhi từng li từng tí như cần học chữ quốc ngữ, phải siêng tập thể thao hay giúp đỡ các bạn...
Trung thu năm 1946, năm mà đất nước ta phải chiến đấu với "thù trong giặc ngoài", hoàn cảnh đất nước lâm vào thế "nghìn cân treo sợi tóc" nhưng Bác Hồ vẫn không quên làm thơ gửi các cháu:
"Bác mong các cháu chăm ngoan
Mai sau gìn giữ giang sơn Lạc Hồng
Sao cho nổi tiếng Tiên Rồng
Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam."
Bác Hồ hạnh phúc bên các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc. Ảnh tư liệu |
Sau nhiều năm phải lo việc nước, đến Tết Trung thu năm 1951, mở đầu lá thư gởi cho nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu, Bác Hồ đã không ngại ngần bày tỏ sự thương nhớ khôn nguôi:
"Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ thương."
Trẻ em luôn chiếm vị trí đặc biệt trong trái tim Hồ Chủ tịch. Bởi vậy, Người thường gửi tình cảm của mình qua một phương tiện truyền tải vô cùng hiệu quả. Đó là thơ. Năm 1952, Bác gửi đến các em thiếu thi trong và ngoài nước một bài thơ mà sau đó nhạc sĩ Phong Nhã đã lấy tứ để sáng tác bài hát "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng".
Cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn cuối, quân và dân ta trên khắp các chiến trường liên tiếp giành được những thắng lợi quan trọng. Tết Trung thu năm 1953, Bác phấn khởi gửi thư kể tin chiến thắng, chia vui với các cháu thiếu nhi. Và chiến thắng này có sự đóng góp tích cực của trẻ em:
"Khắp nơi Nam, Bắc, Tây, Đông
Được tin thắng trận cờ hồng tung bay
Các cháu vui thay
Bác cũng vui thay
Thu sau so với thu này vui hơn."
Ảnh: Hoàng Hoài |
Lời tiên đoán của Người trong thư Trung thu năm 1953 hoàn toàn chính xác. Ngày 7/5/1954, với chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", đất nước ta đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong tư thế của người chiến thắng, mùa thu năm 1954 là mùa thu mà một nửa đất nước đã sạch bóng quân thù, các cháu thiếu nhi miền Bắc đã được đón một ngày Tết Trung thu hoàn toàn tự do.
Nhưng tình hình đất nước vẫn bị chia cắt hai miền. Nỗi thương nhớ các cháu thiếu nhi miền Nam càng cồn cào trong tấm lòng của Bác Hồ. Bác ao ước có một ngày đất nước sẽ hoàn toàn thống nhất, trẻ em miền Bắc và miền Nam đều được vui Trung thu. Trong thư gửi các cháu thiếu nhi miền Nam năm 1956, Người viết:
"Bắc – Nam sẽ sum họp một nhà
Bác cháu ta gặp mặt trẻ già vui chung
Nhớ thương các cháu vô cùng
Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi".
Tuy vậy, Bác Hồ đã không kịp chứng kiến Tết Trung thu trọn vẹn của trẻ em cả nước. Trong Di chúc trước lúc đi xa, Người đã viết: "Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng...".
Có thể thấy, tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thiếu nhi Việt Nam rộng lớn như trời biển. Trung thu này, mặc dù Người đã đi xa, nhưng những dòng thư của Người vẫn luôn luôn nằm sâu trong trái tim của các thế hệ con cháu Việt Nam. Nhớ ơn Bác, toàn thể thiếu nhi Việt Nam nguyện cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng là “Cháu Bác Hồ Chí Minh”.