Từ đàn đá đến cồng chiêng
Văn hóa - Ngày đăng : 10:10, 12/09/2014
Nghiên cứu trên trống đồng Đông Sơn có niên đại khoảng 2 thiên niên kỷ, khảo cổ học tìm thấy các nét chạm khắc thể hiện người đánh cồng chiêng với dáng dấp của đồng bào Tây Nguyên. Các họa tiết người đánh chiêng trên trống đồng Đông Sơn không có gì khác với người Tây Nguyên hiện nay.
So sánh cách thức diễn tấu cồng chiêng trên trống đồng với cách diễn tấu cồng chiêng ở các nước trong khu vực như Lào, Campuchia hoặc Thái Lan, Malaysia có sự khác biệt: Trên trống đồng Đông Sơn mỗi hình ảnh nghệ nhân diễn tấu tương ứng với một cái chiêng, đến nay người Tây Nguyên vẫn thể hiện truyền thống đánh chiêng bằng cách đó.
Riêng các nước trong khu vực, nghệ nhân thường xếp chiêng thành dàn để diễn tấu. Căn cứ hình thể, họa tiết trên trống đồng có thể khẳng định cồng chiêng của người Tây Nguyên đã tồn tại từ buổi sơ khai khi loài người bước sang giai đoạn khởi sắc của thời đại kim khí cách ngày nay trên dưới 2000 năm.
Độc tấu đàn đá Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Khải |
Âm nhạc học và dân tộc học nhận định, cồng chiêng Tây Nguyên ra đời sau đàn đá, chiêng đá (3.000 – 2.500 năm), tiếp đó là cồng đồng, chiêng đồng, trống đồng.... Theo luật tiến hóa xã hội - sự chuyển tiếp từ thấp lên cao, người Tây Nguyên cổ đại đã chuyển sang giai đoạn phát triển của thời đại kim khí, sử dụng nhạc khí đồng thau.
Nhạc cụ đồ đá dần lãng quên, theo năm tháng vùi sâu dưới lòng đất, dưới sông suối mà người dân địa phương và các nhà khảo cổ khai quật, tìm thấy nhiều nơi trên đất Tây Nguyên. Với hệ sắc âm hiện đại hơn, trọng lượng nhẹ, dễ cầm nắm, cơ động khi diễn tấu, khó vỡ và dễ bảo quản... cồng chiêng đã được người Tây Nguyên cổ đại cách ngày nay khoảng 2000 năm trọng dụng, trở thành nhạc cụ độc tôn, thay thế nhạc cụ đồ đá, tiếp nối thời đại đồng thau xuyên suốt cho đến ngày nay.
Nghệ nhân độc tấu đàn đá trong lễ hội văn hóa các dân tộc. Ảnh: Ngọc Tâm |
Theo các nhà Dân tộc học, cồng chiêng hình thành cùng với sự xuất hiện tín ngưỡng đa thần từ xa xưa, gắn bó hữu cơ với tín ngưỡng dân tộc, thuần phong mỹ tục trong tập quán sinh hoạt văn hóa truyền thống có từ khi người tiền sử Tây Nguyên biết làm lúa rẫy, chăn nuôi, trồng trọt. Họ tổ chức lễ nghi cúng tế, cầu thần linh ban điều tốt lành cho mùa màng và cồng chiêng đã được sử dụng trong các nghi lễ ấy. Tiếp nối truyền thống cổ xưa, đến nay hầu như lễ hội nào cũng có âm hưởng cồng chiêng.
Từ lễ lên rẫy đến lễ mừng lúa mới, lễ đóng cửa kho... đều được người Tây Nguyên tổ chức long trọng, trang nghiêm và có tiếng cồng chiêng ngân vang. Ở cuộc đời người, từ bao đời nay khi mới sinh ra cồng chiêng đã có trong lễ thổi tai, lớn lên có ở lễ trưởng thành và cuối đời về với cõi vĩnh hằng cồng chiêng có trong lễ bỏ mả…
Ở phương diện âm nhạc, so sánh với các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại như Nhã nhạc cung đình Huế và Đờn ca tài tử Nam bộ thì cồng chiêng Tây Nguyên tồn tại với chiều dài lịch sử lâu đời hơn, mang dấu ấn văn hóa độc đáo, riêng biệt và tiêu biểu của vùng sơn nguyên; thể hiện tính trường tồn, bất hủ, vĩnh hằng suốt lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Diễn tấu chiêng trong lễ cúng mưa đầu mùa ở xã Đắk R’tíh (Tuy Đức). Ảnh: Hồ Mai |
Người ta cũng tìm thấy cồng chiêng trong sử thi Tây Nguyên, minh chứng thêm về sự trường tồn của cồng chiêng trong lịch sử hình thành và phát triển xã hội cư dân bản địa ở vùng đất này: “Đánh cho tiếng chiêng luồn qua sàn lan đi xa. Đánh cho tiếng chiêng vượt qua nhà vọng lên trời. Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến phải ngã xuống đất...”.