Giữ gìn nét đẹp trang phục truyền thống
Văn hóa - Ngày đăng : 09:51, 10/04/2015
Theo đó, trong khuôn khổ thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc tỉnh”, nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê… được khôi phục. Ngành Văn hóa thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức các lớp truyền dạy dệt thổ cẩm cho đồng bào, nhất là thu hút được nhiều phụ nữ tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực.
Các bạn trẻ trình diễn trang phục truyền thống tại Ngày hội văn hóa các dân tộc thị xã Gia Nghĩa lần thứ IV-2015 |
Nhiều chị em sau khi tham gia các lớp đào tạo, học nghề ngắn hạn đã dệt được những chiếc khố, váy, chăn… mà mình yêu thích. Nhiều gia đình làm sản phẩm thổ cẩm để bán cho những người có nhu cầu trong bon làng hoặc để cung cấp cho những cơ sở bán hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch; có thêm nguồn thu nhập.
Điển hình như nghệ nhân H’Bạch ở bon N’Jiêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) hiện vẫn thường xuyên dệt thổ cẩm và sống được với nghề. Nghệ nhân H’Bạch nói: “Được sự quan tâm của chính quyền các cấp nên một số nét văn hóa đặc trưng của người Mạ chúng tôi được gìn giữ và phát triển, nhất là cồng chiêng và nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Mỗi khi bon làng tổ chức lễ hội, thấy bà con ai cũng mặc trang phục của người Mạ, tôi vui và hạnh phúc lắm. Vì vậy, cùng với việc giữ nghề, tôi cũng truyền dạy cho con cháu, các bạn trẻ biết được nghề dệt thổ cẩm truyền thống của cha ông”.
Ngoài việc khuyến khích duy trì nghề dệt thổ cẩm, ngành Văn hóa còn tổ chức cấp phát trang phục cho đồng bào các dân tộc bản địa để mặc trong các lễ hội truyền thống. Tại các ngày hội văn hóa các dân tộc hàng năm do các địa phương tổ chức, bên cạnh việc phục dựng các lễ hội thì luôn có nội dung thi trình diễn trang phục truyền thống. Qua đó, chương trình ngày hội không những thêm phong phú, đa dạng mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cũng như quảng bá hình ảnh của các dân tộc.
Điển hình như tại Ngày hội văn hóa các dân tộc thị xã Gia Nghĩa lần thứ IV được tổ chức mới đây, các bạn trẻ dân tộc thiểu số trên địa bàn đã thể hiện tài năng của mình qua nội dung dệt thổ cẩm, trình diễn trang phục truyền thống…
Trong đó, phần thi trình diễn trang phục truyền thống luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo người xem và làm cho ngày hội thêm sinh động, ý nghĩa.
Trang phục truyền thống của mỗi dân tộc thiểu số đều có những nét đẹp, đặc trưng riêng, thể hiện bản sắc văn hóa |
Em H’Hiên ở bon Bu Kol, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) cho hay: “Được mặc áo quần truyền thống của dân tộc mình trình diễn trước đông đảo khán giả, em cảm thấy tự hào vô cùng”.
Còn bạn Y Thiêm ở bon N’Jriêng, xã Đắk Nia cũng nói: “Mỗi bộ trang phục đều mang trong mình đặc trưng của một dân tộc. Vì thế, được khoác trên mình bộ trang phục truyền thống do các nghệ nhân trong bon dày công cắt may, em cảm thấy hãnh diện vô cùng”.
Theo bà Đặng Thị Hồng Liên, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Gia Nghĩa thì phần thi trình diễn trang phục truyền thống là cơ hội để đồng bào giới thiệu, quảng bá trang phục của dân tộc mình với các dân tộc anh em khác.
Vì vậy, trước hội thi, Ban tổ chức thường đưa ra những quy định cụ thể để các địa phương lựa chọn các cặp thí sinh nam nữ đại diện cho dân tộc tham dự cũng như quy định của từng bộ trang phục, vật dụng truyền thống.
Những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống với những hoa văn, họa tiết riêng, ngoài thể hiện sự tinh tế, mềm mại thì còn tôn lên vẻ đẹp của từng dân tộc. Thông qua đó, giới trẻ ngày càng có thêm sự tự hào, biết trân trọng, giữ gìn những nét đẹp trang phục truyền thống của dân tộc mình.