Chiến sĩ quân đội Việt Nam, nguồn cảm hứng âm nhạc bay bổng
Văn hóa - Ngày đăng : 10:26, 18/12/2020
Hình ảnh người lính Cụ Hồ kéo pháo lên trận địa trong kháng chiến chống Pháp tạo cảm hứng cho nhạc sĩ Hoàng Vân viết ca khúc "Hò kéo pháo" |
Ngay từ khi mới thành lập (năm 1944), quân đội ta đã xuất quân với những bài ca cách mạng. Chúng ta không thể nào quên được những bài như “Du kích ca” (Đỗ Nhuận), “Phất cờ Nam tiến” (Hoàng Văn Thái), “Tiến quân ca” (Văn Cao)… Đến những năm đầu kháng chiến chống Pháp, hình ảnh anh bộ đội còn phảng phất như một tráng sĩ ra đi vì nghĩa lớn nhưng vẫn thể hiện sự tự hào của người dân một nước độc lập và rất đỗi thân thương. Đó là những chiến sĩ “Lạnh lùng vung gươm ra sa trường” (Chiến sĩ Việt Nam – Văn Cao), “Một lần ra đi lòng có mong chi tới ngày trở về” (Đoàn Giải phóng quân – Phan Huỳnh Điểu), dù có phải “Da ngựa bọc thây lòng này vẫn vui” (Cảm tử quân – Hoàng Quý). Trong rừng sâu Việt Bắc, anh bộ đội trẻ vẫn nghêu ngao hát bài “Không quân Việt Nam” hay “Hải quân Việt Nam” (Văn Cao) và mong da diết ngày trở về, mặc cho “Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa” (Ngày về - Lương Ngọc Trác, Chính Hữu)… Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, đã để lại cho thế hệ hôm nay nhiều bài hát hay, không những có tác dụng ghi lại một cách sinh động cuộc sống chiến đấu của bộ đội ta trong những năm tháng hào hùng này, mà còn có giá trị cao về mặt sáng tạo âm nhạc trên phương hướng dân tộc và hiện đại. Nhiều ca khúc ngày nay vẫn còn sức sống mạnh mẽ mặc dù mấy chục năm đã trôi qua như “Vì nhân dân quên mình” (Doãn Quang Khải). Những ngày sôi động của chiến dịch Điện Biên Phủ được ghi lại trong nhiều bài hát như “Qua miền Tây Bắc” (Nguyễn Thành), “Hò kéo pháo” (Hoàng Vân). Theo lời kể của nhạc sĩ Hoàng Vân, "Hò kéo pháo" ra đời trong hoàn cảnh khá đặc biệt. Khi đó, nhạc sĩ Hoàng Vân là một chàng trai Hà Nội ngoài 20 tuổi, được lên Điện Biên tham gia kháng chiến. Trong chuyến đi thực tế, Hoàng Vân được quan sát, tiếp cận với cuộc sống và tinh thần chiến đấu của Nhân dân ta ở Điện Biên, đặc biệt là hình ảnh các chiến sĩ, đồng đội của mình kéo những khẩu pháo khổng lồ dù vai ướt đẫm sương đêm nhưng vẫn nắm chắc tay không buông rời, quyết tâm bảo vệ pháo. Nhạc sĩ Hoàng Vân từng kể lại, đêm đêm theo tiếng hò “dô ta nào, hai ba nào...”, tiếng mõ tre cốc cốc làm hiệu lệnh dưới ánh trăng, hàng trăm chiến sĩ mặc áo trấn thủ, đội mũ nan cúi rạp người, choãi chân, những bắp tay rắn chắc bám vào dây chão, dây mây, dây song để kéo pháo… Tất cả những hình ảnh, những âm thanh đó đã tạo nên một bức tranh hùng vĩ, một không khí náo nhiệt hừng hực khí thế quyết tâm làm vang động cả núi rừng Điện Biên. Chứng kiến những gian nan vất vả của bộ đội ngày đêm đưa những cỗ pháo nặng hàng tấn vượt qua dốc núi, nhạc sĩ Hoàng Vân đã viết ca khúc “Hò kéo pháo” với những lời ca cháy bỏng: "Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua đèo/Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua núi. Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù…”.
Cũng trong những năm tháng này, chùm bài hát của Đỗ Nhuận như: “Trên đồi Him Lam”, “Hành quân xa”, “Chiến thắng Điện Biên Phủ”…đã ra đời. Bài hát “Trên đồi Him Lam” hừng hực khí thế chiến đấu, không chỉ thể hiện ý chí "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" của Bộ đội Cụ Hồ mà còn thể hiện khát vọng chiến thắng, khát vọng hòa bình, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước của quân và dân ta. "Hôm qua đánh trận Điện Biên. Chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến quân vào. Đột phá tiêm đao tiến đánh vào. Đi mở đường thắng lợi, ba tháng đổ mồ hôi ta tới đây quyết diệt cho hết quân thù...".
Từ đầu Cách mạng tháng Tám, có không ít những hành khúc được viết theo yêu cầu của sự phát triển các lực lượng vũ trang nhưng phải đến “Hành quân xa” (1954) người ta mới thấy được cụ thể một hành khúc dân tộc mới, không những có chiều sâu về mặt tình cảm của anh bộ đội, mà về mặt tìm tòi sáng tạo trong âm nhạc cũng đạt được hiệu quả cao. Có thể nói, “Hành quân xa” xứng đáng là một mốc tiêu biểu, mở đầu cho sự phát triển mới về âm nhạc sau này.
Tốp ca trình bày ca khúc Đoàn Vệ quốc quân của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trong chương trình nghệ thuật "Sáng mãi truyền thống Bộ đội Cụ Hồ" do Ban tổ chức các ngày lễ lớn của thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Ảnh tư liệu |
Thời kỳ chống Mỹ cứu nước đã chứng kiến một sự nở rộ vượt bậc của ca khúc Việt Nam nói chung và bài hát viết về bộ đội nói riêng. Hàng ngàn bài hát đã được viết ra trong hơn mười năm ở cả chiến trường miền Bắc cũng như miền Nam, với những đề tài hết sức phong phú. Đã có “Từ mặt đất thân yêu” (Tô Hải), “Phi đội ta xuất kích” (Tường Vi) viết về không quân nhân dân. “Lướt sóng ra khơi” (Thế Dương) viết về hải quân… Rồi công binh, thông tin, hậu cần, ra đa, tên lửa… đều đã có những bài hát mới. Nhiều hành khúc tốt đã được phổ biến rộng rãi trong bộ đội và Nhân dân như “Tiến bước dưới quân kỳ” (Doãn Nho), “Anh vẫn hành quân” (Huy Du, Trần Hữu Thung), “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” (Huy Thục), “Bước chân trên dải Trường Sơn” (Vũ Trọng Hối), “Ta là chiến sĩ Giải Phóng quân” (Văn Lưu, Triều Dâng)… Bên cạnh đó, có nhiều bài phản ánh các mặt sinh hoạt khác trong cuộc sống của bộ đội như “Điện Biên Phủ trên không” (Phạm Tuyên), “Tên lửa ta đánh rất hay” (Huy Thục), “Trường Sơn đông – Trường Sơn tây” (Hoàng Hiệp, Phạm Tiến Duật)…
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975 cho tới nay, số lượng những bài hát viết về quân đội vẫn không ngừng phát triển về số lượng, trong đó một số bài hát đáng kể thuộc về phong trào sáng tác không chuyên nghiệp đang phát triển rộng khắp ở các binh chủng, quân chủng và các địa phương. Một số ca khúc của các nhạc sĩ chuyên nghiệp thời kỳ này đã có tiếng vang tốt trong Nhân dân như: “Chiến đấu vì độc lập tự do” (Phạm Tuyên), “Chúng ta lên đường”, “Hình Tổ quốc trong tim” (Trọng Loan)… Sẽ là một thiếu sót nếu không kể tới nhiều bài hát viết cho các em thiếu nhi, học sinh mẫu giáo như “Cháu yêu chú Giải phóng quân” (Vũ Thanh), “Anh phi công ơi!” (Xuân Giao), “Chú bộ đội” (Hoàng Hà)…
Chính những chiến sĩ của quân đội Việt Nam anh hùng với bao chiến công chói lọi đã là nguồn đề tài vô tận cho những cảm hứng âm nhạc bay bổng. Các anh là ngọn lửa, là ánh sáng đã chiếu rọi vào tâm hồn các nhạc sĩ, làm bật lên những tia hào quang rực rỡ để xây dựng nên tác phẩm về các anh, cho các anh. Các tác phẩm ấy nâng bước các anh và nâng cánh mọi người, đã góp những viên gạch không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng một đội quân Việt Nam hùng mạnh, trăm trận trăm thắng.