Krông Nô quan tâm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống
Văn hóa - Ngày đăng : 09:01, 29/03/2022
Trên tinh thần thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Huyện ủy Krông Nô đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện Krông Nô.
Đồng bào các dân tộc huyện Krông Nô gìn giữ nét đẹp văn hóa thổ cẩm |
Trên cơ sở nghị quyết, hằng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Các ngành, địa phương thực hiện quản lý chặt chẽ các lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tổ chức các hoạt động lễ hội bảo đảm an toàn, đúng pháp luật, nghi thức tôn giáo gắn với bảo vệ môi trường, phát huy vai trò và ý nghĩa của lễ hội trong đời sống xã hội.
Đến nay, các lễ hội tại các địa phương được tổ chức đều tuân thủ đúng quy định, nội dung, phù hợp với truyền thống văn hóa. Phần lễ trong các lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng lễ nghi. Phần hội tổ chức phong phú, hấp dẫn, phát huy được những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, địa phương theo hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm. Nhiều trò chơi, dân gian, phong tục văn hóa dân gian trong lễ hội được bảo tồn và phát huy.
Văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa ở Krông Nô được gìn giữ, phát huy |
Một số nghi lễ, lễ hội truyền thống trong cộng đồng đã được khôi phục như Lễ cúng bến nước, Lễ cầu mưa, Lễ cúng rào bon (Tăm plang Brang bon) của người M’nông; Lễ cầu sức khỏe, Lễ đặt tên của người Ê đê; Lễ cấp sắc của người Dao, Lễ hội Lồng tồng của người Tày, Nùng…
Điều đáng ghi nhận, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng bằng tình yêu, sự nhiệt huyết với văn hóa truyền thống, nhiều nghệ nhân đã vận động nguồn kinh phí để tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống. Trong đó, hiệu quả và chất lượng nhất là Lễ hội Lồng tồng của người Tày, Nùng ở thôn Thanh Sơn, xã Nam Xuân được tổ chức hàng năm vào dịp đầu xuân, thu hút sự quan tâm tham gia của người dân trong và ngoài địa bàn.
Văn hóa truyền thống các dân tộc phía Bắc được gìn giữ trên vùng đất mới |
Đặc biệt, các thôn, bon, buôn trên địa bàn huyện thành lập được các đội văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc. Các đội văn nghệ đã quan tâm sưu tầm, dàn dựng và khôi phục lại các trò chơi, trò diễn truyền thống, hoặc hát khặp, hát giao duyên, hát về Đảng, Bác Hồ có phần lời bằng tiếng dân tộc.
Qua thống kê, toàn huyện hiện có 180 người còn sử dụng được cồng chiêng, 16 người biết chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc, 17 người biết và hát những làn điệu dân ca, 5 nghệ nhân biết và kể truyện cổ, 39 người biết kể luật tục và phong tục, tập quán truyền thống, hơn 100 người biết dệt thổ cẩm truyền thống, 15 nghệ nhân biết làm cây nêu truyền thống, 3 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể.
Nghề dệt thổ cẩm được đồng bào Dao ở xã Nâm N'dir quan tâm bảo tồn |
Theo UBND huyện Krông Nô, thời gian gần đây, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên các hoạt động tổ chức lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện có phần hạn chế, thu hẹp lại. Huyện đã tổ chức bàn giao 2 bộ chiêng cho đồng bào Ê đê ở buôn Sưk, xã Quảng Phú và đồng bào M’nông ở buôn Jă Rah, xã Nâm Nung nhằm phục vụ công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng trên địa bàn huyện. Từ khi bàn giao chiêng đến nay, các đội chiêng hăng say luyện tập và sẵn sàng tham gia các sự kiện do huyện tổ chức.