Xây dựng, chỉnh đốn để Đảng thêm vững mạnh
Văn hóa - Ngày đăng : 10:19, 26/01/2022
Luôn là nhiệm vụ quan trọng và liên tục
Thực tiễn lịch sử lãnh đạo, Đảng ta luôn luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng.
Năm 1939, Đảng tiến hành sinh hoạt “tự phê bình” sâu rộng, khắc phục hạn chế, giải quyết vấn đề về tư tưởng và tổ chức của Đảng trong phong trào Mặt trận dân chủ. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích” xác định mục tiêu, phương châm là công khai, mạnh dạn, thành thực vạch ra lỗi lầm của mình và tìm phương pháp sửa chữa, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không làm yếu Đảng và làm cho Đảng được thống nhất mạnh mẽ.
Sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chấn chỉnh những khuyết điểm của một số cán bộ, đảng viên vừa mới có chút chức quyền trong tay. Trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, ngày 17/10/1945, Người đã phê phán, ngăn đe, cảnh báo một số căn bệnh của một số đồng chí nắm chức vụ quyền hạn trong bộ máy chính quyền nhà nước như: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo…
Sau khi cả nước bước vào kháng chiến chống Pháp, tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Đây là tác phẩm rất quan trọng, có tính chất kinh điển về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Những năm cuối kháng chiến chống Pháp, Đảng ta lại mở cuộc chỉnh Đảng. Tháng 5/1952, tại lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: Mục đích chỉnh Đảng là nâng cao tư tưởng và trình độ chính trị của đảng viên và cán bộ, làm cho đảng viên và cán bộ theo đúng quan điểm và lập trường vô sản.
Năm 1961, khi Nhân dân miền Nam đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, miền Bắc phải phát huy và thể hiện rõ vai trò là hậu phương lớn của cả nước, Đảng ta lại mở đợt chỉnh huấn trong toàn Đảng. Mục đích, nhiệm vụ của chỉnh huấn, được Hồ Chí Minh xác định: làm cho tất cả hiểu rõ hơn trách nhiệm làm chủ của mình, hiểu rõ nhiệm vụ sản xuất và tiết kiệm trong giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện phương châm “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, phê phán lối suy nghĩ cá nhân chủ nghĩa.
Năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân ta trở nên quyết liệt, để tập trung sức người, sức của cho tiền tuyến, trong quá trình chỉnh huấn Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt. Chính vì vậy mà cuộc chỉnh huấn của Đảng ta nhằm mục đích tẩy rửa chủ nghĩa cá nhân và nâng cao đạo đức cách mạng của giai cấp vô sản.
Từ khi bước vào công cuộc đổi mới năm 1986, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, các hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương đều bàn và ban hành những nghị quyết, kết luận, quy định hết sức quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần sau sâu sắc, toàn diện và cụ thể, rõ ràng hơn so với lần trước.
Căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Trong Di chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trước hết nói về Đảng”. Mối quan tâm lớn nhất, sâu sắc nhất của Người về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện trên ba nội dung lớn.
Thứ nhất, phải tăng cường đoàn kết, tính thống nhất trong Đảng - giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng là nhân tố quyết định sự thành công trong mọi nhiệm vụ “tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Thứ hai, phải phát huy dân chủ trong Đảng, tự phê bình và phê bình thường xuyên và nghiêm túc. “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm túc, tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Tự phê bình và phê bình để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm làm cho Đảng mạnh lên, phải có động cơ, thái độ tự phê bình và phê bình đúng đắn vì sự phát triển và vững mạnh của Đảng.
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII. Ảnh tư liệu |
Thứ ba, phải hết sức coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân và những tiêu cực, thoái hóa trong Đảng.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những giá trị cốt lõi nổi bật về vấn đề xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền. Di chúc mang tầm nhìn vượt thời gian về yêu cầu phải xây dựng Đảng một cách toàn diện, thường xuyên liên tục. Quan điểm, tư tưởng của Bác “Trước hết nói về Đảng”, “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”, đây là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Người khẳng định “Đảng ta là Đảng cầm quyền” và để làm tròn nhiệm vụ của một Đảng cách mạng, tiền phong, đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn trong sạch, vững mạnh.
Phát huy kết quả, chủ động tiến công mạnh mẽ
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm!”. Quyết tâm mạnh mẽ của người đứng đầu Đảng ta đã tạo nên xu hướng, phong trào chống “giặc nội xâm”, huy động được sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của Nhân dân.
Kế thừa những kết quả đạt được, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã thảo luận và ban hành Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, với nhiều điểm mới nổi bật. Các kết luận, quy định được ban hành tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng lần này sâu rộng hơn về nội dung và phạm vi, chủ động tiến công mạnh mẽ hơn về tư tưởng chỉ đạo. Mục tiêu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này được xác định cao hơn, sát hợp hơn với tình hình mới.
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao thông qua các nghị quyết, kết luận của Trung ương tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII. Ảnh tư liệu |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước phức tạp, khó lường như hiện nay đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, thực sự "là đạo đức là văn minh. Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức để lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.
Trung ương thống nhất cao phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đề ra; đồng thời bổ sung nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Theo đó, nhiệm vụ quan trọng là phải chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải giữ vững nguyên tắc của Đảng, thật sự phát huy dân chủ trong Đảng; người đứng đầu phải gương mẫu làm trước và phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp, phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn. Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng. Mọi thái độ nể nang, né tránh, hữu khuynh hoặc cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng. Tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác, trách nhiệm rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự, và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình.
Tin tưởng, với truyền thống và bản lĩnh của Đảng ta, với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, kỳ vọng của Nhân dân, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ tiếp tục tạo nhiều chuyển biến mới, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện, thật sự là đạo đức, là văn minh, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của toàn dân tộc.