Đắk Glong triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng
Văn hóa - Ngày đăng : 08:40, 28/01/2022
P.V: Xin ông đánh giá sơ bộ về tình hình QLBVR trên địa bàn huyện thời gian qua ?
Ông Trần Nam Thuần: Đắk Glong có tổng diện tích tự nhiên trên 144.000 ha, trong đó có hơn 101.000 ha đất có rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp. Tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện đạt 43,17%.
Những năm qua, Đắk Glong luôn là “điểm nóng” về phá rừng, lấn, chiếm đất rừng của tỉnh. Trong điều kiện diện tích rừng lớn, địa bàn rộng và giao thông đi lại rất khó khăn, dân di cư tự do đến huyện khá lớn, gây áp lực lên tài nguyên rừng. Nhiều đơn vị, tổ chức được giao rừng và đất rừng, nhưng không làm tốt QLBVR, dẫn đến nhiều tồn tại.
UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan chuyên môn, UBND các xã nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp. Nhờ vậy, các vụ vi phạm về phá rừng có chiều hướng giảm so với các năm về trước.
Năm 2021, Đắk Glong đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 283 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, gồm: 231 vụ phá rừng; 18 vụ tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản; 15 vụ vận chuyển lâm sản trái phép… So với cùng kỳ năm 2020, tổng số vụ phá rừng giảm 7 vụ (2,9 %) và diện tích thiệt hại giảm 5,552 ha (8,3%). |
P.V: Xin ông cho biết, huyện đã triển khai giải quyết các nội dung liên quan đến đất lâm nghiệp bị lấn chiếm ra sao?
Ông Trần Nam Thuần: Năm 2018, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định 2159 về việc phê duyệt phương án giải quyết các tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bám sát quyết định trên, UBND huyện Đắk Glong đã ban hành Kế hoạch số 82 làm cơ sở xử lý các nội dung liên quan trên địa bàn và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Bốn năm trở lại đây, huyện Đắk Glong đã xử lý 131 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (hành vi lấn, chiếm), 30 quyết định khắc phục hậu quả (riêng năm 2021 xử lý 59 trường hợp và 30 quyết định khắc phục hậu quả). Huyện đã tiến hành cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi đất khoảng 28 ha đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái phép.
Đắk Glong đã phối hợp với các đơn vị xác minh thực trạng, tham mưu UBND tỉnh ban hành 8 quyết định thu hồi hơn 7.000 ha đất tại các dự án nông lâm nghiệp, giao cho huyện xem xét, bố trí đất cho người dân trên địa bàn để phát triển sản xuất. Huyện đã rà soát, xác định hiện trạng nhiều diện tích đất, rừng có nguồn gốc từ giao rừng cho nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng.
Lực lượng kiểm lâm Đắk Glong tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng |
Song song với việc thực hiện Kế hoạch 82, Đắk Glong đã ưu tiên công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chấp hành tốt các đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp. Huyện thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với người dân để lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng và có giải pháp tháo gỡ kịp thời…
P.V: Thời gian tới, Đắk Glong sẽ có những giải pháp nào để tiếp tục thực hiện tốt công tác QLBVR trên địa bàn, thưa ông ?
Ông Trần Nam Thuần: Để tiếp tục phát huy các hiệu quả đạt được, tiến đến xóa điểm nóng về phá rừng trên địa bàn năm 2022 và những năm tới, chúng tôi tập trung vào 6 giải pháp chính.
Thứ nhất, tăng cường nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, phát động toàn dân tham gia tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật về QLBVR, quản lý đất đai. Qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng.
Thứ hai, huyện sẽ tăng cường công tác quản lý dân cư, kịp thời phát hiện dân di cư từ nơi khác đến, phân loại đối tượng để có biệp pháp ngăn chặn và xử lý khi xâm hại đến rừng.
Thứ ba, Đắk Glong nỗ lực bảo vệ và quản lý tốt diện tích rừng hiện có. Huyện đồng thời đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ, sản xuất và rừng kinh tế, xúc tiến tái sinh, phục hồi rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học.
Đắk Glong đang nỗ lực phục hồi màu xanh của những cánh rừng |
Thứ tư, chúng tôi sẽ rà soát, điều chỉnh, đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, khả thi. Trong đó, chúng tôi gắn bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân làm nghề rừng.
Thứ năm, huyện sẽ rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Quản lý rừng gắn với giao đất rừng và sử dụng đất rừng đúng mục đích, khắc phục và giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.
Cuối cùng, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo Công an huyện phối hợp Hạt Kiểm lâm, các cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan nắm chặt địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật lâm nghiệp.
Huyện tập trung đấu tranh triệt phá các băng nhóm hủy hoại rừng, sang nhượng rừng và đất rừng trái phép. Đắk Glong sẽ kiên quyết cưỡng chế di dời, giải tỏa các khu vực lấn chiếm đất rừng để trồng phục hồi lại rừng và xử lý nghiêm các hành vi buông lỏng quản lý, tiếp tay, bao che cho phá rừng.
P.V: Xin chân thành cảm ơn ông!