Ngọn cờ đầu chống Pháp ở Tây Nguyên
Văn hóa - Ngày đăng : 05:30, 02/02/2022
“Hùm xám” Tây Nguyên
Các nhà nghiên cứu lịch sử nhận định, cuộc khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo giống như khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Vì vậy, vai trò của thủ lĩnh N’Trang Lơng ở Tây Nguyên giống như vai trò của anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám ở miền núi trung du phía Bắc.
Về quy mô có thể khác nhau, nhưng về tính chất và vai trò đối với lịch sử Việt Nam thì phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng (1912-1935) ở Tây Nguyên có nhiều điểm tương đồng với phong trào khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám (1884-1913). Với thực dân Pháp, nếu Hoàng Hoa Thám là “hùm xám” núi rừng Yên Thế thì N’Trang Lơng có thể được xem là “hùm xám” Tây Nguyên.
Hơn 25 năm đấu tranh kiên cường, cuộc khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo đã ghi những chiến công oanh liệt, quân Pháp phải chịu nhiều tổn thất và không thể thiết lập bộ máy cai trị ở cao nguyên M'nông trong một thời gian dài (1915-1928).
Phong trào N’Trang Lơng là một trong những phong trào chống Pháp diễn ra trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Điều này cũng lý giải vì sao khi có Đảng ra đời, với lý tưởng độc lập dân tộc đã ngay lập tức thu hút được sự ủng hộ, tham gia đông đảo của mọi tầng lớp Nhân dân ở cả đồng bằng lẫn miền núi, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Việc xây dựng Tượng đài Anh hùng N’Trang Lơng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” |
Mốc son sáng ngời
Cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất và kéo dài nhất trong lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược tại Tây Nguyên. Vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm vóc của cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng rất rộng lớn, không chỉ trong nước mà còn đối với quốc tế.
Cuộc khởi nghĩa đã xây dựng được một mặt trận đoàn kết chiến đấu chung giữa cộng đồng người M’nông và người S'tiêng; lôi cuốn cả một bộ phận người Mạ ở trung lưu sông Đồng Nai và một bộ phận người Campuchia. Đối diện với quân xâm lược nhà nghề, nắm trong tay vũ khí hiện đại, nhưng N’Trang Lơng và đội quân của mình vẫn bám chắc vào rừng núi để xây dựng, phát triển lực lượng trong suốt ¼ thế kỷ, tấn công quân xâm lược với tinh thần chủ động, tích cực, táo bạo, mưu trí.
Mặc dù là một phong trào đấu tranh tự phát của các dân tộc Tây Nguyên, nhưng nghĩa quân vẫn phát huy tinh thần đấu tranh kiên cường. Đối diện với một phong trào đấu tranh to lớn, mãnh liệt như vậy, nền cai trị của thực dân Pháp tại đây nhiều lần bị đặt trong tình trạng nguy hiểm, thậm chí có lúc bị đánh đổ trong năm 1914-1915.
Ngay sau khi cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng kết thúc, núi rừng Tây Nguyên lại sôi động với phong trào Nước Xu (1935-1939) của thủ lĩnh Ôi Ất, rồi từ từ chuyển mình theo con đường đấu tranh cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Điều đó cho thấy, trong công cuộc thực dân của mình, người Pháp chưa bao giờ bình định được hoàn toàn khu vực Tây Nguyên cũng như dập tắt được sức sống mãnh liệt, tinh thần đấu tranh cho độc lập, tự do của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Với tất cả ý nghĩa đó, thủ lĩnh N’Trang Lơng không những là vị anh hùng đối với người dân Tây Nguyên. Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng đóng vai trò là ngọn cờ đầu chống Pháp, tiêu biểu cho truyền thống bất khuất chống xâm lược của các dân tộc miền sơn cước Nam Đông Dương.
Phát huy truyền thống
Hơn 110 năm kể từ khi phong trào N’Trang Lơng nổ ra, nhưng thời gian không hề làm giảm ý nghĩa thực tiễn của cuộc đấu tranh đó. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền thống của phong trào N’Trang Lơng đã được đồng bào M’nông cũng như đồng bào các dân tộc ở Trường Sơn - Tây Nguyên phát huy mạnh mẽ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Từ sau năm 1975, ngọn lửa chiến đấu của truyền thống N’Trang Lơng vẫn không ngừng rực cháy trong sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bất khuất, kiên cường.
Để tôn vinh những nhân vật lịch sử tiêu biểu cho ý chí đấu tranh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chống các thế lực thực dân xâm lược và áp bức, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn và xuất bản ấn phẩm lịch sử “Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng (1912-1936)”.
Cùng với đó, nhân kỷ niệm 100 năm Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng (1912-2012), tỉnh đã khởi công xây dựng Tượng đài Anh hùng N’Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên. Việc xây dựng Tượng đài Anh hùng N’Trang Lơng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với người con ưu tú đã có nhiều đóng góp trong công cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược, cũng như tôn vinh giá trị cao đẹp của lòng yêu nước.
Hiện nay, Di tích các địa điểm phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo đã được Nhà nước xếp hạng và đang được đầu tư tôn tạo để phục vụ du lịch, giáo dục truyền thống yêu nước.
Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng với tầm vóc, giá trị lịch sử đã khẳng định niềm tự hào dân tộc, động viên đồng bào các dân tộc thắt chặt tình đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng để xây dựng quê hương Đắk Nông ngày càng giàu đẹp.