Ngã ba Giếng Cọp ở Đắk Wil

Văn hóa - Ngày đăng : 06:50, 06/02/2022

Tại buôn K'Nha, xã Đắk Wil (Cư Jút), hiện nay rất nhiều người dân còn nhớ về sự tích Ngã 3 Giếng Cọp. Đây là nơi xưa kia, hổ thường xuyên đến để uống nước.

Già làng Y Nuăn Niê Kđăm, ở buôn K'Nha cho biết, ngày xưa gốc của người Ê đê trong buôn thuộc buôn Trum, xã Ðắk Wil ngày nay. Vào khoảng năm 1850, có một nhóm người Lào từ Buôn Ðôn (Ðắk Lắk) dẫn theo voi nhà đến khu vực rừng gần buôn Trum để săn bắt, thuần phục voi rừng. Một hôm, do hết nước uống và trời cũng đã tối nên họ đã tìm chỗ cột và cho voi ăn, rồi sau đó dựng lán ngủ lại trong rừng.

Nửa đêm, đang ngủ họ bỗng tỉnh giấc khi nghe thấy tiếng nước sôi sục vang lên từ lòng đất. Vì cho rằng rừng có mạch nước ngầm nên đến sáng cả nhóm đi tìm nước uống. Khi đào được khoảng 1m thì mạch nước từ lòng đất phun lên rất mạnh. Sau khi giải được cơn khát, nhóm thợ săn không lấp giếng và dẫn voi trở về buôn của mình. Về sau, thấy nguồn nước trong vắt, không bao giờ cạn vào mùa khô nên nhiều hộ dân ở buôn Trum đã đến khu vực này để sinh sống và lập buôn mới. Họ đặt tên giếng nước là Ea K'Nha và lấy tên này để đặt tên buôn.

Một góc khu dân cư tại khu vực Ngã 3 Giếng Cọp, buôn K'Nha, xã Ðắk Wil

Năm 1954, do buôn K’Nha là một cơ sở cách mạng nên thực dân Pháp đã đốt phá, giết hại dân làng và dồn dân về khu vực gần cầu 14 (cầu Sêrêpốk) để cán bộ cách mạng không có nơi cư trú, hoạt động. Năm 1978, sau khi giải phóng đất nước, cán bộ, nhân viên Ty Lâm nghiệp Ðắk Lắk đến địa bàn buôn quản lý, khai thác gỗ rừng để phục vụ phát triển kinh tế của địa phương.

Trong một lần đi tuần tra gần khu vực giếng nước Ea K’Nha, họ thấy một con hổ lớn gần bằng con trâu đực đang uống nước. Thấy động, hổ liền quay lại vào rừng sâu.

Năm 1988, nhiều hộ đồng bào Ê đê mới quay lại buôn cũ sinh sống. Họ dựng lại nhà cửa, trồng lúa, ngô... để có của ăn, của để. Bấy giờ, giếng nước Ea K’Nha vẫn là nguồn nước duy nhất để người dân trong buôn sinh hoạt hằng ngày.

Ở thời điểm đó, họ vẫn thường xuyên nhìn thấy hổ quay lại uống nước tại giếng. Già làng khuyên người dân không nên làm hại hổ, khi đến lấy nước nếu gặp hổ thì nên quay lại để tránh xảy ra xung đột giữa người và hổ.

Ðến năm 1992, nhiều dân tộc khác như Kinh, Tày, Nùng, Dao… từ các tỉnh phía Bắc cũng đến khu vực buôn K’Nha sinh sống. Khi nghe người Ê đê kể chuyện về giếng nước Ea K’Nha và con hổ, người dân ở khu vực này đã gọi khu vực trên là Ngã 3 Giếng Cọp (vì giếng nước nằm gần khu vực ngã 3 con đường trung tâm xã).

Cũng theo già làng Y Nuăn Niê Kđăm, để cảm ơn thần nước đã ban cho dân làng nguồn nước, cảm ơn thần hổ đã không gây hại người dân khi đến giếng Ea K’Nha uống nước, hằng năm người dân nơi đây thường làm Lễ cúng bến nước.

Khoảng năm 1995, do nguồn nước không còn hợp vệ sinh, nhiều hộ dân đã tự đào giếng nước sử dụng nên giếng nước Ea K’Nha được người dân lấp lại. Dấu tích để lại của giếng nước Ngã 3 Giếng Cọp hiện nay là một cái hố sâu khoảng 30 - 40 cm, rộng khoảng 10 m2. Khu vực này đã được người dân rào lại để trồng chuối, phát triển rất tốt.

Quốc Sỹ