Nâng tầm thương hiệu "Lúa gạo Buôn Choáh"
Văn hóa - Ngày đăng : 09:11, 07/02/2022
Thành công với lúa đặc sản
Nhiều năm qua, nông dân xã Buôn Choáh đã trồng thành công giống lúa cho sản phẩm gạo ngon nhất thế giới - lúa ST25. Giống lúa này đã mang lại bước ngoặt lớn cho hoạt động sản xuất của người dân trên địa bàn. Đó là sản xuất lúa theo hướng hàng hóa chất lượng cao, mang lại thu nhập cho người dân.
Ông Đào Văn Vỹ, là một trong những hộ dân đi đầu trong việc đưa các giống lúa ST25 về địa phương. Vụ đông xuân 2020-2021, ông trồng hơn 4 ha lúa ST25 và giành thắng lợi lớn.
Sau khi xuống giống, ông đã bám ruộng thường xuyên, từ lúc hạt lúa nảy mầm đến làm đòng, trổ bông, chắc hạt. Ông Vỹ phấn khởi: “Tôi vui mừng vì lúa phát triển tốt, sức đề kháng cao. Bông lúa dài, hạt trĩu lưng, năng suất đạt 13 tấn lúa tươi/ha, cao hơn tất cả các giống lúa mà tôi từng trồng".
Nông dân xã Buôn Choáh đưa máy móc vào sản xuất |
Cũng trồng thành công giống lúa ST25, ông Dương Văn Lực, xã Buôn Choáh vui mừng cho biết, những năm gần đây, ông và các hộ dân trong xã đều áp dụng các quy trình về sản xuất lúa VietGAP.
Chính vì thế, sản phẩm lúa gạo các dòng ST24, ST25 của bà con nơi đây ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Điều này góp phần xây xựng thương hiệu lúa gạo Buôn Choáh.
Hiện nay, giá lúa, gạo ST25 đều tăng cao hơn so với mọi năm. Trung bình, 1 tấn lúa tươi có giá 6,8 triệu đồng. Với mức giá này, bà con nông dân thu về 88,4 triệu đồng/1 ha lúa; trừ chi phí lãi khoảng 45 triệu đồng/1 ha. Đây là mức lãi cao nhất cho người trồng lúa từ trước đến nay.
“Cùng với VietGAP, chúng tôi đang nghĩ đến áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp cao hơn như hữu cơ; thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu GlobalGAP... Để từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, làm giàu được trên đồng lúa của mình”, ông Lực chia sẻ.
Chung sức nâng tầm thương hiệu gạo ngon
Theo UBND xã Buôn Choáh, vụ đông xuân năm 2021, nông dân gieo trồng gần 700 ha lúa, phần lớn là lúa ST24, ST25. Chất lượng lúa gạo của xã được đánh giá vào loại hàng đầu.
Đến nay, xã đã xây dựng được nhãn hiệu "Lúa gạo Buôn Choáh" gắn với khu vực trung tâm của Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Trên địa bàn xã hiện có 2 HTX trồng lúa đang hoạt động hiệu quả. Các sản phẩm lúa gạo của 2 HTX này đều đạt các chứng nhận OCOP hạng 3 hoặc 4 sao.
Nhãn hiệu gạo Buôn Choáh đã được các hợp tác xã xây dựng gắn với biểu tượng núi lửa |
Theo lãnh đạo UBND xã Buôn Choáh, nhờ cây lúa mà nông dân địa phương ngày càng no ấm, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Bà con bây giờ đã có thể sống tốt với cây lúa, thậm chí có thể làm giàu từ sản xuất lúa.
Tháng 1/2021, UBND tỉnh Đắk Nông, công nhận vùng sản xuất lúa xã Buôn Chóah là 1 trong 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh. Đây là những tiền đề quan trọng để "chắp cánh" cho nhãn hiệu "lúa gạo Buôn Choáh" đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Hiện nay, trên cánh đồng xã Buôn Choáh đang được xây dựng, hoàn thiện dự án phục vụ sản xuất lúa. Đó là dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống trạm bơm; Dự án xây dựng kênh mương và một số hạng mục phụ trợ phục vụ tưới tiêu...
Theo lãnh đạo huyện Krông Nô, với mong muốn nâng tầm cây lúa, bảo đảm an ninh lương thực, năm 2019, tuyến đường chính nối trung tâm huyện vào Buôn Choáh gần 20 km được đầu tư xây dựng. Điều này đã tạo điều kiện cho Buôn Choáh phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Với những lợi thế sẵn có về vùng đất của núi lửa trong hệ thống Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, huyện đang nỗ lực thực hiện những bước đi mới. Trong đó, huyện tích cực hỗ trợ người dân, nhất là các HTX có điều kiện đầu tư dây chuyền sơ chế, chế biến, đóng gói sản phẩm gạo Buôn Choáh.
Ngoài nhãn hiệu đã có của các HTX, việc xây dựng, bảo hộ thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ra thị trường sẽ được huyện đẩy mạnh. Địa phương tin tưởng rằng, từ sự chủ động của người dân, các HTX, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, ngành chức năng, lúa gạo Buôn Choáh sẽ được nâng tầm trong tương lai.