Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến
Di sản - Truyền thống - Ngày đăng : 11:07, 11/04/2017
Khu Nhà truyền thống của Trung đoàn 52 Tây Tiến |
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), Trung đoàn đã tiêu diệt được 11.439 tên địch; thu và phá hủy 6.158 súng các loại, 76 xe cơ giới, 8 ca nô tàu chiến, 3 máy bay và hàng trăm tấn đạn dược, quân dụng. Trung đoàn đã vinh dự được tặng cờ “Quyết chiến, chiến thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được mang tên truyền thống đoàn Đông Biên; trung đoàn được 8 huân chương quân công và 218 huân chương các hạng.
Khu Nhà truyền thống của Trung đoàn 52 Tây Tiến |
Năm 1948, nhà thơ Quang Dũng đã viết bài thơ Tây Tiến nổi tiếng về đoàn quân Tây Tiến. Bài thơ này đã được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông. Có thể nói, nhờ bài thơ này mà rất nhiều người biết đến Trung đoàn 52, hay đoàn quân Tây Tiến. Và với bài thơ bất hủ này, ông đã được giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật năm 2001. Trên tấm bia ghi chiến tích Trung đoàn 52 Tây Tiến đặt tại tỉnh Hòa Bình có tạ 10 câu thơ trong bài:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ơi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Điểm đặt Văn bia tưởng niệm được mô hình hóa thành 4 lưỡi lê |
Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến được xây dựng tại đồi Nà Bó, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) vào năm 2006 và được công nhận là Di tích lịch sử-danh lam thắng cảnh cấp tỉnh vào tháng 2/2007. Năm 2015, UBND tỉnh Sơn La tiếp tục đầu tư trùng tu, tôn tạo, nâng cấp mở rộng khu di tích.
Thiết kế của Di tích lưu niệm Tây Tiến lấy ý tưởng từ bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng - một chiến sĩ của Trung đoàn Tây Tiến. Đó là sự mô phỏng bức tranh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ. Là sự mô tả hình ảnh người lính Tây Tiến hào hùng, hào hoa và đi sâu vào những kỉ niệm của tình quân dân thắm thiết qua những phù điêu đặt xung quanh khu tưởng niệm.
Biểu tượng của đỉnh Pha Luông, xã Tân Xuân và Chiềng Xuân, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La-Ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào |
Di tích được chia thành 3 khu vực, trong đó, điểm đặt Văn bia tưởng niệm được mô hình hóa thành 4 lưỡi lê, chắc chắn, vút cao lên trời xanh. Đó là hình ảnh của những người lính sau những ngày hành quân leo muôn trùng dốc, vượt muôn trùng đèo, chiến đấu khốc liệt lại có những giây phút ít ỏi chụm mũi súng để cùng ngơi nghỉ.
Khu hoài niệm thiết kế một đài vọng tưởng được bao quanh bằng kính trong suốt, tượng trưng cho vẻ đẹp sương khói hư ảo của núi rừng Tây Bắc. Khoảnh khắc này thăng hoa trong tâm hồn của người lính Tây Tiến- những chàng trai trí thức của đất kinh kì, hoa lệ, họ xung phong lên đường chiến đấu mang theo cả những giấc mơ Hà Nội lãng mạn đầy chất thơ.
Nhà Bia ghi danh được thiết kế theo kiến trúc “Khải Hoàn Môn”- kiến trúc cổng chào mừng thắng lợi. Đây là biểu tượng cho những chiến công, cũng như ước vọng về ngày chiến thắng ca khúc khải hoàn. Tại đây có tấm bia ghi trích bức thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các chiến sỹ bộ đội Tây Tiến vào ngày 1/2/1947.
Nhà bia có trích thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các chiến sỹ bộ đội Tây Tiến |
Tại Khu di tích, một địa danh đã đi vào những vần thơ đầy cảm xúc của nhà thơ Quang Dũng là đỉnh Pha Luông cũng được thể hiện với vẻ đẹp “kiêu hùng”. Dưới chân núi là dòng suối trong xanh, hiền hòa chảy mãi tạo nên một bức tranh “sơn thủy hữu tình”:
“…Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi…”
Nhà bia có trích thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các chiến sỹ bộ đội Tây Tiến |
Điểm nổi bật của Khu di tích lịch sử lưu niệm Tây Tiến nữa là Nhà truyền thống lưu giữ những bức ảnh, những kỷ vật hay cũng chính những tác phẩm nghệ thuật được những người lính sáng tác trong những ngày chiến đấu gian khổ. Ở đây còn lưu giữ cả những bức ảnh chân dung của các thế hệ chỉ huy, chiến sỹ Trung đoàn 52 Tây Tiến.
Khu hoài niệm |
Khu di tích lịch sử lưu niệm Tây Tiến từ lâu đã trở thành một "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm bất khuất của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây cũng là một điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách khi lên cao nguyên Mộc Châu.