Nghề dệt lanh của người Mông ở Lùng Tám (Hà Giang)
Di sản - Truyền thống - Ngày đăng : 08:36, 19/03/2021
Thiếu nữ dân tộc Mông dệt lanh |
Kỹ thuật làm sợi và nhuộm màu
Để làm ra được tấm vải lanh, người Mông phải tốn khá nhiều công. Đầu tiên là phải khéo léo tước cây lanh lấy vỏ. Những bó vỏ lanh được cuộn chặt rồi cho vào cối giã cho bong hết bột chỉ còn trơ lại sợi dai. Những bó sợi lanh được xe và cuộn lại thành những con sợi lớn.
Qua vài lần luộc nước tro bếp và một lần luộc nước sáp ong, sợi lanh đã trắng và mềm hơn, những người phụ nữ Mông bắt đầu ngồi vào khung dệt của mình. Tấm vải được dệt xong còn phải giặt lại nhiều lần cho thật trắng. Tấm vải lanh sau khi dệt sẽ được nhuộm. Màu chàm đen là chủ đạo nhưng người Mông còn nhuộm những màu khác như đỏ, vàng, xanh sẫm… Tất cả các màu để nhuộm đều được chiết từ lá cây rừng, tuyệt đối không có hóa chất công nghiệp.
Muốn có màu chàm đen như ý, mảnh vải phải được nhuộm đi nhuộm lại nhiều lần, trong nhiều ngày. Người Mông ngâm vải trong nước chàm chừng một giờ, sau đó vớt ra để ráo nước rồi lại ngâm tiếp, lặp đi lặp lại 5 - 6 lần mới đem vải đi phơi. Khi mảnh vải khô, người Mông lại mang vào ngâm tiếp, cứ như thế khoảng 8-10 lần. Gặp trời nắng, mỗi mảnh vải lên nước đen bóng qua 3 - 4 ngày nhưng nếu trời mưa, phơi vải lâu khô, thời gian nhuộm có khi kéo dài hàng tháng.
Kỹ thuật tạo hoa văn độc đáo
Một trong những điều đặc biệt tạo nên thương hiệu của những tấm thổ cẩm lanh của người Mông ở Lùng Tám chính là việc tạo nên những hoa văn, họa tiết bằng kỹ thuật thêu đắp vải màu và vẽ hoa văn sáp ong độc đáo. Nghệ nhân sẽ dùng sáp ong được đun nóng để vẽ trên nền vải những họa tiết truyền thống của người Mông. Sau khi vẽ xong, đem nhuộm chàm, phần sáp ong không thấm màu sẽ để lại những hình hoa văn sinh động trên vải.
Quảng bá sản phẩm
Không chỉ dùng may áo váy, khăn quàng, túi xách phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày, mà thổ cẩm lanh Lùng Tám còn được dùng để trang trí cho các quán ăn, khách sạn như những bức tranh đặc sắc, hay lại hóa thân thành những món đồ lưu niệm nhỏ xinh cho tầng lớp trẻ. Đồng bào nơi đây còn năng động lập fanpage để quảng bá sản phẩm và văn hóa của mình trên mạng xã hội.
Sản phẩm thổ cẩm lanh Lùng Tám đã theo chân du khách đến khắp mọi miền đất nước và đã được xuất khẩu tới hơn 20 nước, không chỉ đem lại thu nhập mà còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Mông.
Với những giá trị văn hóa và thực tiễn đời sống, kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của người Mông ở Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 1/2016.