Múa bóng rỗi ở Nam Bộ - sự giao thoa văn hóa dân gian độc đáo
Di sản - Truyền thống - Ngày đăng : 09:31, 04/06/2021
Biểu diễn múa bóng rỗi |
Sự giao thoa văn hóa
Nghệ thuật múa bóng rỗi có liên quan chặt chẽ đến tục thờ Mẫu ở Việt Nam nói chung và ở Nam Bộ nói riêng. Các vị nữ thần được thờ ở Nam Bộ là kết quả của quá trình giao thoa văn hóa của nhiều lớp cư dân người Kh’mer, người Việt, người Chăm, người Hoa.
Về phương diện nghi lễ, nếu nơi nào có tục thờ nữ thần thì thường có diễn xướng múa bóng. Đây là kết quả của giao lưu văn hóa Chăm - Việt, cụ thể hơn là người Việt đã Việt hóa điệu múa pajao của các bà bóng người Chăm để tạo ra múa bóng.
Nghi thức múa bóng của người Chăm quy định người múa bóng phải là thiếu nữ đồng trinh hoặc người phụ nữ đẹp. Còn ở Nam Bộ, phần lớn những người hành nghề múa bóng là người đồng tính nam trẻ tuổi hoặc phụ nữ lớn tuổi. Các “bà bóng” gốc miền Nam đều ăn mặc, đi đứng, nói năng, cư xử như phụ nữ.
Cấu trúc loại hình nghệ thuật
Múa bóng rỗi có hai bộ phận là múa bóng và hát rỗi. Múa thông qua những động tác tạo hình biểu hiện sự kính dâng lễ vật lên thần linh. Đây là phần lúc nào cũng được mọi người quan tâm chờ đón. Một số “bà bóng” chịu khó tập luyện nên trình diễn những động tác múa khá điêu luyện, khéo léo như làm xiếc, khiến người xem lúc nào cũng hồi hộp, tò mò chờ đợi.
Múa bóng rỗi với ý nghĩa là dâng lễ vật lên các vị thần, thường là dâng bông, dâng mâm vàng, tiếp đó là múa đồ chơi để góp vui trong lễ hội.
Ngoài tài nghệ múa, vũ công còn có khả năng sáng tác lời ca theo yêu cầu của gia chủ, của người chủ tế… theo nền nhạc đệm có sẵn. Người hát rỗi mặc lễ phục đứng trước bàn thờ nữ thần, tay cầm trống nhỏ, gọi là trống rỗi, vừa gõ làm nhịp cho hát mời nữ thần về dự nghi lễ.
Nét đẹp trang phục
Múa bóng rỗi là một nghệ thuật diễn xướng và hát để thể hiện truyền thống tri ân, uống nước nhớ nguồn của con người đối với thần linh, đối với tổ tiên và những người đã khuất. Trang phục của các "bà bóng" vì thế cũng rất cầu kỳ, đầy đủ áo, mũ, váy, khăn choàng cổ, ngạch quan. Việc trang điểm cũng kỹ, đậm phấn son. Đây là một nét đẹp văn hóa theo hình thức diễn xướng nghi lễ dân gian, thể hiện được giá trị văn hóa nghệ thuật cao, cần được bảo tồn và phát huy.