Thắm tình lễ kết nghĩa anh em của đồng bào ở Đắk Nông

Di sản - Truyền thống - Ngày đăng : 08:37, 15/04/2022

Lễ kết nghĩa anh em được đồng bào dân tộc M’nông và Ê đê trân trọng, gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Lễ mang ý nghĩa tốt đẹp nhằm mong muốn cho mọi người sống chan hòa thân thiết, gắn bó nhau như anh em một nhà, cùng chia sẻ giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn, để xây dựng bon làng ngày càng no ấm, giàu đẹp.

Nguồn gốc lễ kết nghĩa

Lễ kết nghĩa anh em của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên xưa thường xuất phát từ thần linh báo mộng hoặc do một sự tình cờ hiếm có nào đó. Tuy nhiên tục lệ quy định rõ, hai người kết nghĩa cha con, mẹ con thì tuổi phải tương đương thứ bậc. Người được kết nghĩa sẽ được đối xử như thành viên ruột thịt.

Theo quan niệm của đồng bào M’nông, lễ kết nghĩa có sự chứng kiến của Yàng và các đấng siêu nhiên khác. Từ xa xưa, nhờ tục lệ này, các bon làng từ bỏ được mối hiềm khích. Ngày nay, lễ kết giao của người Tây Nguyên không chỉ trong cộng đồng một tộc người mà còn mở rộng đến các dân tộc khác cùng sống chung vùng đất.

Ý nghĩa nhân văn tốt đẹp

Lễ kết nghĩa là một nét văn hóa đặc sắc thể hiện tinh thần đoàn kết trong cuộc sống, sinh hoạt giữa các cộng đồng dân tộc. Được đồng bào các dân tộc trân trọng, gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Việc kết nghĩa được làm hoàn toàn tự nguyện, mang ý nghĩa tốt đẹp, nhằm mong muốn cho mọi người sống chan hòa thân thiết, gắn bó nhau như anh em một nhà, cùng chia sẻ giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn, để xây dựng buôn làng ngày càng no ấm, giàu đẹp.

Lễ kết nghĩa anh em của đồng bào Ê đê

Đồng bào M’nông, Ê đê cho rằng, nghi lễ kết nghĩa là các cá nhân trong làng kết nghĩa anh em là để gắn bó với nhau và cùng giúp nhau sống tốt hơn, đồng bào tổ chức lễ kết nghĩa anh em là để biết nhau và là bạn của nhau đã qua ba mùa rẫy (tức thời gian quen biết nhau khoảng 3 năm). Việc kết nghĩa hai bên phải hoàn toàn tự nguyện, vô tư, không bên nào bắt buộc bên nào. Kết nghĩa nhằm mục đích làm cho hai người lạ kết thành đôi bạn thân thiết, bảo đảm kết nghĩa đến đời con, đời cháu. Hai bên con cháu coi nhau như anh em một nhà, khi có việc gì khó khăn, thiếu hụt giúp đỡ nhau không kể công, kể nợ.

Nghi thức tiến hành lễ kết nghĩa

Lễ vật được dân làng chuẩn bị gồm: 1 con gà trống sống, 1 ché rượu, cơm nếp, chuối chín trứng gà, 1 chén tiết heo trộn tim gan, 1 con heo và các vòng đeo tay, chuỗi hạt đeo cổ… Những người tham dự lễ là họ hàng có mặt đầy đủ và người thân của hai người kết nghĩa với nhau và dân làng.

Theo truyền thống, người được kết nghĩa phải có mặt sớm khoảng 5 giờ sáng, để chủ nhà mổ heo và chuẩn bị buộc ché rượu. Người lớn tuổi trong dòng họ (tức chủ lễ) tổ chức. Dàn chiêng được tấu lên bài chiêng gọi Yàng về chứng kiến, phù hộ cho những người tham gia buổi lễ. Chiêng dừng, chủ lễ bước ra, mời hai người ra trước cây nêu và hỏi hai người có đồng ý kết nghĩa không. Khi hai người đồng ý, chủ lễ mời thầy cúng tiến hành nghi thức lễ.

Gắn bó, yêu thương nhau

Thầy cúng dặn dò 2 bên về cuộc sống sau này, luôn yêu thương nhau, 2 người đã trở thành anh em một nhà, một dòng họ. Với lời cúng báo với thần trời, thần đất kể từ buổi lễ này, hai người thành một dòng máu, như anh em ruột thịt. Phải thương yêu nhau, giúp đỡ nhau và bảo vệ nhau đến đời con, đời cháu mai sau.

Nguyễn Hồng (g/t)