Ót N’drông - tài sản tinh thần vô giá của người M’nông
Di sản - Truyền thống - Ngày đăng : 08:02, 06/05/2022
Giá trị văn hóa của Ót N'drông
Theo cuốn “Văn hóa dân gian M’nông”, “Ót” có nghĩa là hát, còn N’drông là câu chuyện xa xưa. Đây là hình thức hát kể các câu chuyện xa xưa của tộc người M’nông.
Ót N'drông được tạo nên từ hàng ngàn câu văn có vần điệu, một thể thức văn học truyền miệng với những câu chuyện mang đậm nét thần thoại về các hiện tượng tự nhiên, nhân vật lịch sử tiêu biểu của dân tộc... Sử thi là sự hòa trộn của ngôn ngữ với giai điệu của thơ ca, chứa đựng nhiều hình ảnh mang tính biểu cảm sâu sắc. Hát kể sử thi đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người M’nông.
Môi trường diễn xướng sử thi
Trong môi trường diễn xướng sử thi, bên bếp lửa rực hồng trong ngôi nhà sàn, hay trong không gian lễ hội, trẻ già, trai gái ngồi quây quần bên nhau nghe những người già, nghệ nhân có trí nhớ tuyệt vời kể, trình diễn hàng vạn câu sử thi, kể về quá khứ của cha ông mình, những câu chuyện cổ có sức hấp dẫn, lay động lòng người. Họ có thể kể Ót N'drông hết ngày này qua tháng khác, hết ban ngày đến suốt đêm thâu. Họ có chất giọng hay, độc đáo như mạch nguồn tuôn chảy theo nội dung câu chuyện, khi lên bổng, xuống trầm, khi mạnh mẽ hào hùng, khi ngân nga như dòng suối chảy qua thác đá và dần dần sâu lắng… Người nghe bị cuốn hút vào mạch truyện, như có sức thôi miên mãnh liệt không dứt.
Hát sử thi M'nông tại Liên hoan dân ca Việt Nam lần thứ IV, khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Ngọc Tâm |
Ót N'drông được các nghệ nhân diễn xướng theo phương thức kết hợp các yếu tố: hát, kể, đối thoại và làm điệu bộ theo kiểu diễn xướng sân khấu. Trong quá trình hát kể, đôi khi người diễn xướng ngừng lại giải thích cho người nghe một chi tiết nhỏ khó hiểu nào đó. Trong thời gian diễn xướng dường như nghệ nhân đang sống trong một thế giới riêng, hóa thân vào các nhân vật trong truyện mà nghệ nhân hằng yêu mến, kính phục. Còn người nghe tùy theo nội dung tác phẩm và cảm hứng thẩm mỹ của mình mà thích thú, phấn chấn, vui vẻ hay suy tư, trăn trở… Nhờ sắc thái thẩm mỹ phong phú, sinh động mà Ót N'drông có sức hấp dẫn đối với nhiều lứa tuổi.
Có tính giáo dục cao
Trong những nội dung câu chuyện Ót N'drông mang tính giáo dục rất cao. Sử thi Ót N'drông tập trung ca ngợi những nhân vật có công đối với sự hình thành và phát triển của tộc người. Mỗi nhân vật mỗi hoàn cảnh, mỗi tình huống khác nhau nhưng họ đều chung một lý tưởng là xây dựng bon làng giàu đẹp, làm cho thị tộc, bộ lạc của mình hùng mạnh. Đằng sau sự vất vả, lo lắng hay những phấn khởi trong lao động là kho tàng tri thức quý báu của đồng bào về kinh nghiệm, cách ứng xử trong đời sống hàng ngày. Ót N’drông chú trọng khuyên nhủ đến việc nên làm và việc không nên làm; đồng thời châm biếm, phê phán những người lười biếng và đề cao những người siêng năng, chăm chỉ và đưa ra lợi ích của việc làm hướng thiện.
Trong mối quan hệ cộng đồng, tinh thần cố kết dân tộc luôn được đề cao và xem đó là sức mạnh để xây dựng nên một bon làng giàu có. Mỗi khi trong bon có gia đình nào gặp hoạn nạn, hay khó khăn thì phải biết đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau: Lúc khó khăn tương trợ lẫn nhau/Thấy cháy nhà không khoanh tay đứng nhìn/Ngày nắng hạn giúp nhau lấy nước… Đổi công cho nhau khi làm cỏ rẫy/Đổi công cho nhau khi giã lúa đã nhiều…
Đặc biệt, mỗi khi bon làng hay nhà nào có khách thì sự tiếp đón được diễn ra một cách trang trọng, thân thiết: Thuốc mời khách phải đựng trên khay/Trầu cau mời khách phải đựng trên dĩa/Mời chào khách bằng lời nói ngọt ngào… Khách đến tìm nhờ chị đun nước/Khách đến tìm nhờ mẹ thổi cơm…
Nỗ lực bảo tồn và phát huy
Thời gian qua, cùng với các cấp chính quyền, các nghệ nhân, Ót N’drông M’nông ở Đắk Nông đã nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Hàng chục tác phẩm Ót N’drông của đồng bào M’nông được ghi chép và biên dịch như: “Bông Rõng và Tiăng”, “Cây nêu thần”, “Mùa rẫy bon Tiăng”, “Kể dòng con cháu Mẹ Chep”, “Mẹ Rông và Tiăng”.... Những tác phẩm này được thể hiện bằng văn vần tự sự và xen vào là những câu mang tính triết lý, được chắt lọc, đúc rút thành kinh nghiệm và là tiền đề để hình thành bộ luật tục M’nông được lưu truyền cho các thế hệ sau.