Luật tục trong đời sống của người Ê đê
Di sản - Truyền thống - Ngày đăng : 08:48, 27/05/2022
Trong quá trình đó, luật tục đã dần dần được hình thành từ những kinh nghiệm được chắt lọc qua cuộc sống của nhiều thế hệ, góp phần tạo nên các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc, cụ thể hóa các chuẩn mực đạo đức, pháp lý theo quan niệm của người Ê đê.
Nội dung của luật tục Ê đê
Trong quá trình nghiên cứu và sưu tầm luật tục, các nhà nghiên cứu đã nhận định: Luật tục ở mức độ nào đó chỉ mới bó hẹp trong phạm vi một buôn. Nhưng luật tục Ê đê đã đề cập đến hầu hết các lĩnh vực khác nhau của đời sống, từ sản xuất, tổ chức xã hội và quan hệ cộng đồng, gia đình và quan hệ gia đình, quan hệ nam nữ đến lễ nghi, tín ngưỡng…
Luật tục đã phản ánh tư duy duy lý dân gian của người Ê đê trong quá trình tồn tại và phát triển. Những khuôn khổ, cách thức sống được đặt ra không đơn thuần là sự nhận thức cảm tính mà đã được định hình bằng những lý lẽ được coi như chân lý mà ai cũng phải nghe theo, không còn sự lựa chọn nào khác. Ví dụ như trong gia đình con cái phải nghe theo lời cha mẹ, ngoài cộng đồng mỗi thành viên phải nghe theo lời của trưởng buôn, ai làm trái với điều ấy phải đưa ra xét xử, đó là quy tắc.
Xuyên suốt các điều trong luật tục là tính cộng đồng với tinh thần bình đẳng, dân chủ, bác ái. Dù là việc xảy ra trong một gia đình, một dòng họ như: kết hôn, sinh tử… nhưng mọi người vẫn ghé vai gánh vác xem như đó là công việc chung. Cho đến những việc như sửa sang bến nước, tế lễ thần linh hoặc hệ trọng hơn như bảo vệ an ninh cho buôn làng, các chủ hộ đều được chủ làng, chủ bến nước mời tới bàn bạc và đóng góp. Trẻ mồ côi, người thiếu ăn, bệnh hoạn, đều được mọi người nâng đỡ, chở che.
Lễ cúng bến nước của người Ê đê |
Lối sống dân chủ, bác ái ấy đã gắn bó con người lại với nhau, mỗi người, mỗi nhà đều tự coi là một thành viên không thể rời xa cộng đồng. Luật tục đã quy định rất rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân, của cá nhân với cộng đồng, đồng thời cũng nêu rõ trách nhiệm của thân tộc đối với mỗi thành viên trong dòng họ, nhằm mục đích tạo nên sự bình đẳng giữa các thành viên. Không có sự phân biệt, ưu đãi tầng lớp trên, hoặc ngược đãi tầng lớp dưới trong mọi lĩnh vực của đời sống buôn làng.
Luật tục gắn bó chặt chẽ với thế giới tự nhiên
Bằng nhiều cách thức như: giáo dục, răn đe, xử phạt, luật tục đã tác động đến nhận thức và hành vi của các thành viên trong cộng đồng, tạo nên một trật tự cần thiết cho các hoạt động chung. Nhưng vượt lên trên, các phương pháp cụ thể ấy là nguyên tắc tự quản kết hợp với những quan niệm về tín ngưỡng.
Cuộc sống của người Ê đê gắn bó chặt chẽ với thế giới tự nhiên, chan hòa với thế giới tự nhiên. Họ lấy từ tự nhiên những sản vật phục vụ cho nhu cầu của mình. Dựa vào mặt trời, mặt trăng để định đơn vị thời gian: Ngày đêm (mặt trời), tháng (mặt trăng), năm (mùa rẫy, mùa hoa, mùa chim bay về và bay đi). Tuy vậy, con người vẫn thấy bất lực trước thiên nhiên, vũ trụ bao la. Những tai họa cứ bất thần ập đến, tàn phá cây trồng, giết hại người và gia súc… con người trở nên nhỏ bé, yếu ớt và họ tìm chỗ dựa tinh thần bằng việc tưởng tượng ra các vị thần linh và tin rằng chỉ có các vị thần ấy mới có sức mạnh hơn con người.
Sự gắn bó con người với các vị thần linh đã hình thành nên cơ chế tự điều chỉnh, con người cảm thấy có một lực lượng vô hình luôn kiểm tra, theo dõi và uốn nắn hành vi của họ. Vì thế mà mỗi cá nhân, mỗi gia đình, dòng họ đều tự răn mình và giáo dục các thành viên khác điều chỉnh hành vi theo quy định của luật tục, ngăn chặn những hành vi làm thương tổn đến lợi ích của người khác và của cộng đồng, hướng con người tới các điều thiện.