Lễ cúng ngõ của người M’nông
Di sản - Truyền thống - Ngày đăng : 05:56, 01/07/2022
Nguồn gốc của lễ
Trong đời sống tâm linh, người M’nông nể sợ nhất 3 vị thần, đó là thần Djut (thần gió bão), thần Ndu (thần sấm sét) và thần Krăch (thần mưa đá). Theo quan niệm của đồng bào, đây là 3 vị thần hung ác, đi đến đâu là gây tai họa cho người đến đó. Theo truyền thuyết dân gian, giữa 3 vị thần này đã có thù nghịch, hiềm khích nhau từ thuở khai sơn lập địa. Lúc nào họ gặp nhau là khiêu chiến, gây sự. Các thần đánh đuổi nhau đến đâu thì xảy ra mưa bão, sấm sét đến đó. Thần Ndu đuổi đánh 2 vị thần Djut và thần Krăch, làm cho 2 vị thần này phải chạy trốn quanh năm, từ đời này qua đời khác. Mải lo chạy trốn, không có cơm ăn, đói bụng, buộc phải ghé xuống trần gian xin cơm lót dạ.
Thần ghé làng nào là làng đó bị tai họa, xảy ra mưa gió bão bùng, sét đánh tơi bời. Vì vậy, người M’nông không muốn cho 3 thần này đi qua làng của mình nên phải cúng để thần chạy trốn đi nơi khác. Họ thường tiến hành các nghi lễ cúng ở ngoài làng, nơi cửa ngõ dẫn vào làng nên gọi là cúng ngõ (Ver bri). Lễ cúng thường tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm, tức là vào cuối mùa nắng, đầu mùa mưa.
Nghi lễ linh thiêng
Lễ cúng Ver bri được đồng bào tiến hành như sau: Các già làng bàn trước, định ngày nào cúng, thông báo cho dân làng dọn vệ sinh sạch sẽ trong làng ở nhà và xung quanh làng. Mỗi hộ gia đình cử người đại diện tham gia lễ hội cúng ngõ. Người đi dự lễ cúng đại diện cho mỗi gia đình chỉ mang theo một bát gạo để cho vào gùi gạo chung của làng. Gùi gạo góp chung này là lễ vật chính được giao cho chủ làng quản lý và sử dụng trong dịp lễ hội.
Đồng bào M'nông thực hiện lễ cúng ngõ |
Chủ làng dẫn bà con ra ngoài bờ rào, cách xa làng vài trăm mét. Tại đây, bà con lập đàn cúng với cái sạp lót bằng tre đặt trên 4 cây cột nhỏ cao khoảng 50 cm, rộng 50 cm. Bốn cây cột cao hơn sàn độ một gang, bốn phía sạp có làm bờ ngăn bằng lát gỗ để đặt lễ vật, tránh không bị rơi ra ngoài. Đầu bốn sạp cắm 4 cây đèn sáp. Trên sạp, bà con đặt 3 cây nến sáp không phải đốt, chỉ đốt đèn sáp cắm ở 4 cây cột chống sạp; trên sạp còn để 1 chén gạo, 1 cục than bếp có quấn miếng bông vải. Hòn than là thần trung gian có “nhiệm vụ” túc trực bên đàn cúng để giao vật cúng cho 3 thần ác và khuyên bảo các vị thần này phải đi tránh xa khỏi làng. Trên sạp, bà con còn đặt một vỏ trứng gà vừa khoét một lỗ, đem lòng trắng và lòng đen nướng chín và đặt trên sạp để làm thức ăn cho thần. Vỏ trứng gà tượng trưng cho ché rlung (loại ché cổ, quý nhất của đồng bào M’nông) để dâng cho thần. Sạp lót bằng lá chuối, đồ vật cúng được sắp đặt cẩn thận lên trên đó.
Trên cạnh đàn cúng, phía dưới mặt đất, đặt một quả bầu khô lấy ra hết ruột và hạt, bỏ vào đó đầy trấu và cắm một chiếc cần tre nhỏ làm ché rượu giả để dâng cho thần. Bà con chặt khúc thân cây chuối dài cỡ một gang tay, cắm 4 que làm 4 chân voi, cắm 1 que làm đuôi, 1 que làm vòi và 2 que làm ngà, tạo thành một con voi giả để dâng cho các thần. Tất cả đồ vật được chuẩn bị như ché rượu, voi giả, trâu giả đặt trên mặt đất phía ngoài sạp.
Các già làng khấn vái nhắn nhủ thần than bếp về những nguyện vọng, mong ước của dân làng. Chủ làng xuất một ché rượu và một con heo to để thiết đãi những người tham gia nghi lễ cúng bái. Chủ làng và các già làng cúng vái xin thần linh, ma tốt bảo vệ buôn làng, đừng cho các thần ác vào làng làm hại, phá phách của cải, tài sản, hoa màu và gây ra dịch bệnh, tai ương cho người dân trong làng.