Thú vị sử thi Ê đê
Di sản - Truyền thống - Ngày đăng : 09:46, 28/10/2022
Sử thi Ê đê là sản phẩm của nền văn minh nương rẫy được kể trong không gian nhà dài vào những đêm trăng sáng; trong lễ hội - mùa “ăn năm uống tháng”; trong lễ bỏ mả; trong chòi rẫy vào mùa làm rẫy; khi chăn thả đàn trâu bò… Đây là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng thu hút đông đảo người nghe: già trẻ, gái trai trong buôn làng; có ý nghĩa giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, ý chí kiên cường, bất khuất; tình yêu người, yêu quê hương, buôn làng của mọi thành viên trong cộng đồng. Các buôn của người Ê đê hiện còn lưu truyền các sử thi: Đăm San, Đăm Ji, Sing Nhã, Khing Jú, Đăm Tiông, Đăm Trao-Đăm Rao, M’drông Đăm, Đăm Bhu-Đăm Bha…
Nghệ nhân Ê đê hát kể sử thi trong ngôi nhà dài |
Ngày trước, hầu như buôn nào cũng có nghệ nhân hát kể (gọi là pô khan), có buôn 2-3 người biết kể khan. Những người thuộc nhiều sử thi được cộng đồng hết sức tôn trọng. Vào những dịp lễ hội, lễ cúng của buôn làng, hoặc tang ma, hầu hết đàn ông, đàn bà, người già, trẻ em đều có thể tụ họp tại nhà dài để nghe kể khan. Người thế hệ sau nghe lời kể khan của người lớp trước, sau đó tự nhớ, tự trau dồi kỹ năng của mình để có thể kể lại cho người khác. Những người có năng khiếu, có trí nhớ tốt có thể nhớ trọn vẹn một hoặc vài bộ sử thi đồ sộ như Đăm San, Đăm Di, Khinh Jú..., mỗi bộ dài đến vài chục ngàn câu.
Nghệ nhân hát kể sử thi được người Ê đê coi trọng vì theo tín ngưỡng dân gian, đó là những người được thần linh ban cho khả năng độc đáo. Họ được coi là "báu vật sống" của dân tộc, là nghệ sĩ tổng hợp, là người sáng tạo tác phẩm, đạo diễn các tình huống, cũng là diễn viên tài năng, có thể diễn giọng nữ, giọng nam, giọng thần tiên, giọng ác quỷ,... đồng thời là người bình luận tính cách hay diễn biến câu chuyện... Họ chính là người tạo ra nhiều tác phẩm khác nhau, nên sử thi Ê đê phát triển thành cả một kho tàng khuyết danh, đúng nghĩa là những sáng tạo dân gian, giàu có và phong phú. Khi tiếng hát kể sử thi vang lên hàng ngày trong nhà dài của người Ê đê sẽ từng bước ăn sâu vào tâm trí cộng đồng người Ê đê trẻ tuổi, tạo ra một lớp người nghe, người kể sử thi mới, để sử thi tồn tại mãi trong cộng đồng dân tộc Ê đê.