Bếp lửa thiêng của người Ê đê
Di sản - Truyền thống - Ngày đăng : 08:30, 11/11/2022
Quan niệm về thần lửa
Người Ê đê theo tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh, họ tin lửa cũng có thần cai quản. Vậy nên khi làm nhà, người Ê đê luôn chú trọng đến việc đặt bếp lửa.
Bếp lửa để nấu ăn, sưởi ấm và là nơi các thành viên trong nhà tụ họp bàn chuyện làm ăn, dựng vợ gả chồng, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống và là nơi lý tưởng để tiếp khách. Ai đến thăm nhà của đồng bào Ê đê mà được gia chủ nhóm lửa, tiếp đãi tại không gian bếp với ghè rượu và ít thịt khô gác bếp là biểu thị sự quý trọng, hiếu khách. Tuy nhiên, vị khách cần lưu ý không được lấy đũa hoặc cây củi gạt cời bếp, gõ vào bếp… Vì theo quan niệm của đồng bào Ê đê, làm như vậy sẽ tổn hại đến thần lửa, thần nổi giận gây xấu cho gia đình chủ.
Bếp lửa trên nhà sàn của người Ê đê |
Cách thiết kế bếp lửa truyền thống
Bếp thiết kế theo hình chữ nhật hoặc hình vuông, lòng bếp được nện chặt bằng đất có lớp ngăn cách nhiệt với mặt sàn để phòng lửa cháy xuống sàn. Chính giữa bếp đặt 3 cục đất nung tạo thành chân kiềng phục vụ việc đun nấu. Phía trên bếp làm thêm phần giàn bằng tre, nứa để lưu giữ lương thực, thực phẩm sấy khô hay treo những quả bắp giống, lúa giống hoặc đặt các vật dụng đan lát cần hong khói cho đen bóng, chắc đẹp. Bếp hoàn thành, gia chủ làm heo, gà để cúng thần lửa rồi nhờ người có uy tín nhất trong dòng tộc châm lửa nhóm bếp. Ngọn lửa đầu tiên bùng cháy được ví là “lửa thiêng” gia chủ phải giữ ngọn lửa cháy liên tục trong 3 ngày, không để lửa tắt giữa chừng sẽ mất linh thiêng. Trong quá trình nấu nướng, người dân cũng hạn chế để bếp lửa tắt. Khi nấu xong, họ thường vùi ủ than dưới lớp tro, khi cần thì thổi lên. Như vậy lửa trong bếp luôn được giữ liên tục, ngôi nhà luôn có hơi ấm.
Bếp ở chòi rẫy
Ngoài bếp lửa trong nhà, mỗi gia đình Ê đê còn có thêm một bếp trong chòi rẫy để tiện cho việc nấu nướng và canh giữ nông sản. Ban đêm, bếp lửa trong chòi giúp xua tan cái lạnh, xua đuổi rắn rết, thú rừng và là tín hiệu mừng cho những ai lỡ độ đường xa. Trước khi rời khỏi rẫy, người dân không quên vùi lửa, vun tro than thành đụn và đặt lên đó một hòn đá như là dấu hiệu báo cho người khác biết nơi ngự trị của thần lửa, không được giẫm đạp hoặc bước ngang qua.
Bếp trong lễ hội
Trong các lễ hội, vị thần bếp lửa may mắn cũng luôn có mặt chứng kiến sự đông vui, sum họp của buôn làng. Bếp lửa bập bùng cháy mãi để người già ngồi với nhau rôm rả chuyện trò, ôn lại kỷ niệm xưa; các chàng trai, cô gái thả hồn theo nhịp cồng và điệu xoang uyển chuyển, mềm mại... Bếp lửa trở thành vị thần may mắn xua đuổi cái xấu, mang bình an, ấm no, hạnh phúc cho mỗi người con trong buôn làng. Đồng thời là nơi gắn kết tình thân, tình đoàn kết cộng đồng, nơi giao lưu, khởi nguồn cho tình yêu đôi lứa.