Mẹ nghèo chạy ăn từng bữa, nuôi con khuyết tật

Thanh Hằng| 10/03/2022 08:53

Không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, bà Văn Thị Phạn chấp nhận làm mọi việc để kiếm tiền nuôi đứa con chậm phát triển trí tuệ. Ở tuổi 60, trăn trở của bà Phạn là cho con một nơi ở ổn định trước khi bà không còn đủ sức đi làm thuê.

ADQuảng cáo

Nhiều năm nay, người dân cụm dân cư số 9, tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) không còn xa lạ với hình ảnh bà Văn Thị Phạn. Dáng người nhỏ bé, bà Phạn lầm lũi đi làm thuê khắp nơi để kiếm tiền nuôi người con bị khuyết tật trí tuệ. Bước chân ra khỏi nhà từ sáng sớm, trở về khi đã chiều muộn, người phụ nữ 60 tuổi lại cặm cụi bện thêm vài chiếc chổi, với mong muốn kiếm thêm ít tiền, trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày cho hai mẹ con.

Bà Phạn quê gốc ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Gần 20 năm trước, bà cùng người cậu ruột vào Đắk Nông làm thuê rồi bám trụ ở mảnh đất này. Sinh được một người con trai nhưng gia đình bên nội không chấp nhận, bà Phạn trở thành mẹ đơn thân, một mình nuôi con. 15 năm qua kể từ ngày con trai chào đời là quãng thời gian đầy cay đắng, tủi nhục, nước mắt còn nhiều hơn niềm vui của người phụ nữ gốc Thanh Hóa.

Những ngày này, bà Phạn theo hàng xóm đi hái tiêu thuê cho người dân trong vùng

Bà Phạn tâm sự, ngày sinh Văn Hiểu Minh (SN 2007), bác sĩ đã phát hiện những bất thường trong nhận thức của đứa trẻ. Thời điểm đó, bà luôn suy nghĩ, sẽ có một ngày con trai trở thành người bình thường nên khi con 6 tuổi, bà Phạn vẫn cho Minh đi học.

Tuy nhiên, 4 năm đến trường, Minh không thể hoàn thành được chương trình lớp 1. Lúc này, bà Phạn mới vỡ lẽ rằng, khiếm khuyết trong phát triển trí não đã khiến con không thể lớn lên và trưởng thành như những đứa trẻ khác.

Người phụ nữ gốc Thanh Hóa nghẹn ngào khi nhắc về hoàn cảnh của gia đình

Người phụ nữ nghẹn ngào, nhớ về thời điểm khó khăn nhất: “Ngày đó, tôi ôm con chạy khắp các bệnh viện lớn nhỏ, mong sao chữa trị để con làm người bình thường. Mỗi lần đi, lại một lần đau khổ, nơi nào cũng lắc đầu, từng hy vọng trong tôi đều bị dập tắt. Thấy tôi khổ cực, có người khuyên tôi bỏ đứa trẻ đi, nhưng là mẹ, sao mà tôi nhẫn tâm như vậy được”.

ADQuảng cáo

Thương cảnh một mẹ, một con, người cậu cho bà Phạn mảnh đất nhỏ để dựng tạm căn nhà. Hàng ngày, bà để con trai ở nhà, khóa chặt cổng rồi theo người trong xóm đi làm thuê. Nếu tỉnh táo thì Minh biết lấy cơm mẹ nấu sẵn để ăn, còn không thì nhịn đói cả ngày. Có lần, cũng vì đi làm xa quá, bà Phạn vừa về đến nhà thì chết lặng khi con đang sốt li bì, nằm bất động trên giường.

Trở về sau một ngày làm việc, bà Phạn lại cặm cụi bện thêm mấy cái chổi để bán, kiếm thêm thu nhập

“May mắn, năm 2017, tỉnh Đắk Nông mở Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục và hòa nhập tỉnh nên tôi mang con đến gửi. Nhờ thầy cô dạy bảo, đến nay cháu mới biết gọi mẹ và không còn tự hành hạ bản thân”, bà Phạn cho biết.

“Hai năm nay, kể từ ngày Gia Nghĩa được công nhận là thành phố, gia đình cũng không thuộc diện hộ nghèo nữa, thành thử không được nhận trợ cấp gì. Đến bây giờ, mỗi lần đau ốm, hai mẹ con không dám đi bệnh viện vì không có bảo hiểm y tế. Có đợt thằng bé ốm, cả tháng hai mẹ con chỉ sống nhờ 300.000 đồng trong túi”, bà Phạn nghẹn giọng, nói về tình cảnh hiện nay của gia đình.

Nỗi lo lớn nhất của bà Phạn chính là tương lai của Văn Hiểu Minh

Ông Trần Thanh Ảnh, Hiệu trưởng Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục và hòa nhập tỉnh Đắk Nông cho biết: "Minh không được hưởng chế độ trợ cấp của người khuyết tật, bản thân em đã hết tuổi theo học tại trung tâm, dẫn đến việc can thiệp, giúp em phát triển trí tuệ sẽ bị gián đoạn. Chính vì vậy, nhà trường và các thầy cô giáo mong mỏi, các nhà hảo tâm sẽ quan tâm, giúp đỡ để em có cơ hội được hòa nhập cộng đồng".

Hoàn cảnh của gia đình bà Phạn đang rất cần sự giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm. Mọi đóng góp, giúp đỡ xin gửi về: Bà Văn Thị Phạn, cụm dâm cư số 9, tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, SĐT: 0343.288.365 hoặc thông qua Quỹ “Tấm lòng vàng” Báo Đắk Nông, tài khoản: 63510000006838 tại Chi nhánh Ngân hàng BIDV Đắk Nông; tài khoản: 5300666787979 tại Chi nhánh Ngân hàng Agribank Đắk Nông, SĐT: 02613.544244.                       

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mẹ nghèo chạy ăn từng bữa, nuôi con khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO