Theo các chuyên gia, khi sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc hóa học sẽ tiềm ẩn nguy cơ về dư lượng chất bảo vệ thực vật; dư lượng kim loại nặng như asen, cadimi, đồng, chì; dư lượng nitrat; dư lượng kháng sinh, chất kích thích sinh trưởng…
Người dân Krông Nô phun thuốc BVTV cho lúa |
Khi các chất này có dư lượng tồn dư trong thực phẩm vượt ngưỡng cho phép sẽ gây tác hại vô cùng lớn đối với sức khỏe con người lẫn nền kinh tế của đất nước.
Mặc dù nguy cơ tiềm ẩn mối đe dọa từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đang hiện hữu trước mắt, nhưng người nông dân vẫn vô tư sử dụng, doanh nghiệp vẫn tìm cách làm sao bán được nhiều hàng, không màng đến những tác hại của nó gây ra.
Đơn cử, năm 2019, Hệ thống Cảnh báo nhanh của EU đối với mặt hàng thức ăn nhanh và thực phẩm nguy cơ rủi ro cho sức khỏe cộng đồng (RASFF) đã “tuýt còi” đối với 17 lô nông, thủy sản của Việt Nam. Trong đó, có 9 lô hàng thủy sản, 8 lô hàng nông sản bị từ chối giám sát khi nhập vào EU.
Nguyên nhân là do những lô hàng này không đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm do chứa các chất vượt quá mức cho phép, hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm.
Còn tại thị trường Nhật Bản, năm 2018, cũng có đến 48 vụ việc sản phẩm nông sản của Việt Nam sau khi kiểm dịch cũng bị phát hiện chứa tồn dư hoạt chất bị cấm, hoặc các thuốc bảo vệ thực vật có hàm lượng cao hơn cho phép.
Trước tình trạng đó, cơ quan chức năng của Nhật đã phát đi thông báo sẽ áp lệnh kiểm tra 100% sản phẩm của công ty vi phạm và tăng cường kiểm tra chung với các mặt hàng cùng loại của Việt Nam. Hay như sản phẩm hồ tiêu, khi xuất sang thị trường các nước đều bị đưa vào “tầm ngắm”.
Khoảng 5 năm trở lại đây, có hàng chục lô hàng hồ tiêu của Việt Nam bị EU phát hiện chứa dư lượng của 9 loại thuốc BVTV vượt mức quy định. Theo một lãnh đạo thanh tra, Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh Đắk Nông, mặc dù các cấp ngành chuyên môn đã nỗ lực thanh kiểm ra, áp dụng các chế tài cứng rắn trong xử lý, xử phạt nhưng vẫn khó có thể kiểm soát hết được thị trường thuốc BVTV trên địa bàn.
Nhiều đại lý, cửa hàng thuốc BVTV đã lén lút bán các loại thuốc bị cấm sử dụng, thuốc không rõ nguồn gốc, khi có người đến mua mới mang ra trao tận tay. Khó khăn hơn là hiện nay, có nhiều loại thuốc BVTV cực độc, không rõ nguồn gốc được bán qua mạng xã hội như Zalo, Facebook…
Hàng được chia nhỏ, phân tán đi khắp các vùng miền, đến tận địa bàn nông thôn vùng sâu, vùng xa nên khó phát hiện, ngăn chặn, xử lý. Mặt khác, phần lớn nông dân trồng tiêu, cà phê thiếu kiến thức về sử dụng thuốc BVTV, nên tự học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để chăm sóc, phòng bệnh cây trồng.
Do đó, nhiều loại thuốc diệt nấm, diệt côn trùng… không bảo đảm chất lượng được bà con lạm dụng quá mức. Với cách làm manh mún, tự phát như trên đã khiến cho nông sản Việt Nam trả giá đắt khi hội nhập thị trường thế giới.
Việc nông sản Việt Nam đang gặp khó khăn vì vượt mức dư lượng đối với hàng xuất khẩu, một số doanh nghiệp bị các thị trường châu Á, châu Mỹ, EU…chú ý, gắt gao kiểm tra, gây khó khăn trong việc cấp phép khi nhập vào nước họ. Nông sản Việt Nam xuất khẩu rồi bị trả lại đã diễn ra nhiều lần không những gây thiệt hại cho doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến uy tín chung của nông sản Việt.
Một khi có vụ việc các sản phẩm nông sản bị thị trường các nước trả về do chứa dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng quy định, mọi phản ứng bắt lỗi đều đổ dồn vào người nông dân. Thế nhưng, mấy ai bình tĩnh xem lại cung cách làm ăn của các doanh nghiệp buôn bán thuốc BVTV, các cơ quan, đơn vị chuyên môn hoạt động như thế nào...
Điều đáng nói là, có không ít cơ quan đoàn thể, trung tâm, viện đã trở thành bức “bình phong” tự nguyện cho các doanh nghiệp lấy danh nghĩa của đơn vị mình để kinh doanh, mở rộng thị trường. Nhiều cuộc hội thảo, hội nghị được các doanh nghiệp phân bón, thuốc BVTV tài trợ tổ chức đến tận vùng sâu, vùng xa, nơi người dân đói thông tin.
Do đó, doanh nghiệp hội thảo thì ít mà tiếp thị, bán sản phẩm thì nhiều. Trong đó, nhiều cuộc hội thảo đã “lập lờ đánh lận con đen”, đưa lẫn cả loại thuốc BVTV đã bị cấm hoặc bắt buộc ngừng sản xuất, nhập khẩu để hướng dẫn người dân sử dụng. Thực trạng này biết đến bao giờ nông sản Việt mới lấy được niềm tin với thị trường quốc tế?