Sau hơn 15 năm tái lập, sự hình thành ngành công nghiệp khai thác bô – xít, luyện Alumin - nhôm, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch dựa trên những lợi thế khí hậu, cảnh quan “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông”, cùng với vị trí là điểm kết nối giữa Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đông Bắc Campuchia sẽ tạo đà phát triển trong những năm tới. Tuy nhiên, tình hình nền kinh tế địa phương có dấu hiệu phát triển chậm lại, những hạn chế nội tại chưa được khắc phục, dịch Covid-19 đã, đang và tiếp tục tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh; nhất là ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, thu chi ngân sách, đầu tư và thương mại; làm gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng, dịch vụ và du lịch; đòi hỏi vừa phải chủ động phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, vừa phải nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu kinh tế, ...
Trong bối cảnh đó, để Đắk Nông tiếp tục phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, cần phải có sự quan tâm, hỗ trợ mạnh mẽ từ Trung ương; đồng thời, phải nhận định lại thế mạnh và tìm kiếm dư địa tăng trưởng mới, có sự đột phá, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực tổ chức thực hiện. Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chủ động, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu. Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, lợi ích nhóm. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên. Củng cố, nâng cao niềm tin, sự gắn bó của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, xây dựng một số doanh nghiệp lớn giữ vai trò dẫn dắt, đầu tàu nhằm tập trung phát triển 3 trụ cột của nền kinh tế địa phương. Tập trung rà soát, xây dựng quy hoạch có tầm nhìn chiến lược dài hạn; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu; tổ chức thực hiện và quản lý tốt quy hoạch; nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, nhất là đất đai, khoáng sản; thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng; quản lý đất đai gắn với quản lý dân cư; giải quyết tốt vấn đề di cư tự do. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng công tác dân tộc trong tình hình mới; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia; chú trọng phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng trên tuyến biên giới; tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tập trung giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện phức tạp liên quan đến đất đai.
Nhiệm kỳ 2010 - 2015, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới suy thoái kéo dài; bất ổn chính trị, chiến tranh cục bộ xảy ra ở nhiều nơi; tranh chấp chủ quyền trên biển Đông diễn ra với tính chất ngày càng phức tạp hơn. Kinh tế trong nước ngay từ đầu nhiệm kỳ đã xuất hiện nhiều vấn đề khó khăn, Trung ương đã kịp thời điều chỉnh các ưu tiên, đưa các nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội lên hàng đầu; thực hiện các chính sách thắt chặt tiền tệ, cắt giảm đầu tư công, nâng trần lãi suất cơ bản ở mức cao, hạn chế tăng trưởng.
Trong bối cảnh chung của thế giới, khu vực và nước ta, nhiệm kỳ 2015 - 2020 Đắk Nông vẫn còn là một tỉnh nghèo, mới thành lập, chưa phát triển. Tỉnh còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn, đó là: hạ tầng kỹ thuật cơ bản, thiết yếu về kinh tế - xã hội còn yếu kém và chưa đồng bộ; trình độ phát triển, chất lượng và quy mô nền kinh tế còn nhỏ, yếu, năng lực cạnh tranh thấp; mặt bằng dân trí và chất lượng nguồn nhân lực còn rất thấp so với nhu cầu phát triển.
Để tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chuyển hướng mạnh mẽ phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng nền kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh và chủ động hội nhập, Đảng bộ xác định mô hình tăng trưởng của tỉnh với 3 trụ cột, đó là: đổi mới mạnh mẽ quản lý và nâng cao trình độ, năng suất lao động; ứng dụng rộng rãi khoa học - công nghệ; đột phá về thể chế hóa và trách nhiệm công vụ. Luôn luôn giữ vững và tạo lập nền tảng là an dân, ổn định chính trị; Đẩy mạnh phát triển thông tin truyền thông, giáo dục cộng đồng; xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thân thiện, tạo khả năng mới khai thác nội lực, thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, tạo ra sức mạnh liên kết vùng, khu vực, khoa học - công nghệ và đào tạo. Hướng đến bước trưởng thành vượt bậc trong nhiệm kỳ tới về sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, sản phẩm có giá trị cao, chất lượng và lợi thế, là các sản phẩm đặc sắc, chủ lực của vùng. Tiếp tục kế thừa và phát triển mới “2 tập trung, 3 đột phá”, cần xác định ưu tiên tập trung cho 3 lợi thế trong giai đoạn mới là: chế biến sâu, tạo chuỗi giá trị của tổ hợp Alumin - nhôm - sắt xốp và các sản phẩm sau nhôm; du lịch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, quan tâm đầu tư hạ tầng thiết yếu kinh tế - xã hội, đô thị và nông thôn; kiên trì xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ưu tiên cho phát triển xanh, bảo vệ môi trường tự nhiên, chất lượng phát triển và phát triển bền vững, hài hòa; chất lượng sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, ổn định.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, tình hình đất nước có những đổi thay to lớn, sức mạnh tổng hợp được tăng cường, nền kinh tế có bước phát triển mạnh mẽ, Việt Nam thoát ra khỏi tình trạng nước nghèo và kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình. Để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI xác định mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Đối với tỉnh Đắk Nông, những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Nông đạt được trong 5 năm 2005 - 2010 là điều kiện quan trọng tạo đà cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Đắk Nông tiếp bước vững chắc trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Trên cơ sở kết quả của nhiệm kỳ 2005 - 2010 và tinh thần định hướng của các văn kiện dự thảo thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đề ra phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu tổng quát giai đoạn 2011 - 2015 là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng thiết yếu về kinh tế - xã hội và đô thị hạt nhân, thu hút đầu tư; tạo bước phát triển đột phá về kinh tế trong công nghiệp khai khoáng và năng lượng, công nghiệp chế biến và nông nghiệp kỹ thuật cao, dịch vụ và du lịch; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của các dân tộc. Phấn đấu đến năm 2015 thoát ra khỏi tỉnh nghèo và năm 2020 đưa kinh tế Đắk Nông đạt mức bình quân chung của cả nước; tạo tiền đề cơ bản để phát triển toàn diện và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Sau hai năm thành lập tỉnh, nền kinh tế tỉnh Đắk Nông giữ được tốc độ phát triển hằng năm cao hơn mức bình quân chung của cả nước, cơ bản hoàn thành các mục tiêu do Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XIII đề ra và Chương trình số 06-CTr/TU của Tỉnh ủy Đắk Nông lâm thời đề ra.
Cơ cấu kinh tế có bước chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đáng kể; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.
Tình hình chính trị vẫn giữ vững ổn định, quốc phòng - an ninh được đảm bảo hơn so với trước. Việc thành lập tỉnh mới tạo ra những thuận lợi cơ bản cho sự phát triển, tạo ra niềm tin và khí thế cách mạng trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đó là những tiền đề cơ bản để Đắk Nông tiếp tục vững bước đi lên, hòa chung với tiến trình thực hiện thành công công cuộc đổi mới trên cả nước.
Đại hội thảo luận và thông qua phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu tổng quát của Đảng bộ nhiệm kỳ 2005 - 2010 là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ; đưa tỉnh Đắk Nông phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Phát huy dân chủ gắn với tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh. Xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân - thế trận an ninh nhân dân, giữ vững ổn định chính trị và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Phấn đấu đến sau năm 2015 đưa kinh tế của tỉnh Đắk Nông đạt mức bình quân chung của cả nước với cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Sau 15 năm thực hiện đường lối đổi mới, trên cả nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo thế và lực để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu trên nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, những nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, các tệ nạn xã hội... vẫn còn là những thách thức đối với toàn Đảng và toàn dân ta. Trên thế giới và khu vực, xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, tác động đến hầu hết các nước, vừa thúc đẩy hợp tác, vừa tăng sức ép cạnh tranh và phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế...
Nắm bắt những cơ hội, vượt qua thách thức, đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, phát triển bền vững, chủ động, tích cực mở rộng hợp tác quốc tế toàn diện là tinh thần chủ đạo của các văn kiện được soạn thảo chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, nhiệm kỳ 2001 - 2005.
Quán triệt tinh thần đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện trong các văn kiện được chuẩn bị hướng tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, Đảng bộ các huyện trên địa bàn Đắk Nông chủ trương khai thác tối đa các thế mạnh tiềm năng sẵn có của địa phương, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng; phấn đấu xây dựng huyện giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng và an ninh.
Đại hội đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII nêu rõ thành tựu và hạn chế, yếu kém, chỉ ra nguyên nhân của những yếu kém, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ trong thời gian tới.
Đại hội nêu rõ phương hướng, mục tiêu tổng quát của Đảng bộ trong 5 năm 2000 - 2005 là: Khai thác mọi tiềm năng, huy động mọi nguồn lực trong tỉnh gắn với thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững. Xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng - an ninh, phát huy dân chủ gắn với tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị và đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Xây dựng Đảng và cả hệ thống chính trị vững mạnh. Phấn đấu đến năm 2010 đưa Đắk Lắk trở thành một tỉnh có kinh tế" phát triển đạt trên mức trung bình của cả nước; có văn hóa tiên tiến và giữ vững được bản sắc dân tộc; xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986 - 1996), nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo những tiền đề cơ bản để bước sang chặng đường phát triển mới. Hòa chung vào dòng chảy của đất nước, diện mạo của các huyện trên địa bàn Đắk Nông đã từng bước có sự khởi sắc.
Nền kinh tế có mức tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; an ninh chính trị được giữ vững, đời sống của nhân dân được cải thiện.
Tuy nhiên, để khai thác mọi tiềm năng, xây dựng quê hương ngày càng vững mạnh đòi hỏi các cấp bộ Đảng trên địa bàn Đắk Nông phải kịp thời xác định đúng đắn phương hướng, nhiệm vụ và những bước đi thích hợp nhằm xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.
Đại hội xác định phương hướng và mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế-xã hội trong 5 năm từ 1996-2000 là: Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng cao đời sống và dân trí, thu hẹp sự chênh lệch giữa các vùng, các tầng lớp dân cư. Giữ vững ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, củng cố an ninh biên giới và tăng cường khả năng phòng thủ. Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Ra sức phấn đấu xây dựng tỉnh thoát khỏi tình trạng là một tỉnh nghèo, chuẩn bị điều kiện để phát triển nhanh hơn vào những năm đầu của thế kỷ XXI.
Đại hội đề ra một số chỉ tiêu trên các lĩnh vực, chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 1996 - 2000, đồng thời đề ra các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện mục tiêu trên.
Bước vào thập niên 90 của thế kỷ XX, tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là khủng hoảng dẫn đến tan rã của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Lực lượng cơ hội, phản động trong và ngoài nước đẩy mạnh chiến dịch "diễn biến hòa bình", tăng cường các hoạt động phá hoại, nhất là trên mặt trận tư tưởng, chính trị. Cuộc chấn động về chính trị trên thế giới đã tác động mạnh đến tiến trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Trước tình hình đó, để đánh giá những thành công, hạn chế của toàn tỉnh Đắk Lắk sau 5 năm cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới, đồng thời hoạch định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XI được tiến hành.
Vòng 1: Đại hội tiến hành góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội Đảng toàn quốc và bầu Đại biểu của Đảng bộ tỉnh đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII gồm 15 đồng chí.
Vòng 2: Đại hội đã thông qua phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phấn đấu trong 5 năm (1991 – 1995). Đại hội xác định nông, lâm nghiệp là mặt trận hàng đầu, lương thực là “bàn đạp”, xuất khẩu là “mũi nhọn”, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm sản và dịch vụ.
Hơn 10 năm cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội trong tình hình đầy thách thức, phức tạp, vừa phải chống thù trong, giặc ngoài, vừa phải khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội từ điểm xuất phát thấp, song với nghị lực và lòng quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, các Đảng bộ huyện trên địa bàn Đắk Nông lãnh đạo nhân dân địa phương từng bước vượt qua khó khăn, thử thách giành được những thành tựu bước đầu trên tất cả các lĩnh vực.
Đảng bộ trong tỉnh lãnh đạo quân và dân tích cực truy quét FULRO, đẩy lùi các cuộc lấn chiếm biên giới và đập tan các cuộc tấn công quân sự của bọn Pôn Pốt - Iêng Xary, giữ vững an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố trở ngại từ đặc điểm lịch sử, vị trí địa lý, trình độ dân cư, đặc biệt là tư duy lãnh đạo về kinh tế bị cơ chế quan liêu, bao cấp chi phối... Nằm trong tình hình chung của cả nước, đời sống của Nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.
Để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đất Đắk Nông đặt ra cho đảng bộ các cấp nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết. Quá trình lãnh đạo trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ tích lũy được kinh nghiệm quý báu, tạo tiền đề cho sự phát triển của tỉnh Đắk Lắk nói chung, vùng địa bàn Đắk Nông nói riêng trong thời kỳ đổi mới.
Đại hội đóng góp ý kiến vào bản dự thảo Báo cáo chính trị và đề nghị bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng của Trung ương trình Đại hội VI. Đại hội đánh giá những thành tựu, hạn chế của tỉnh trong nhiệm kỳ khóa IX và chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó.
Đại hội quyết định phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ nhiệm kỳ mới, chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1986 - 1990), với những nội dung cơ bản là: Phấn đấu tạo một bước chuyển biến lớn trong nền kinh tế của tỉnh, đưa nền kinh tế thoát ra khỏi khó khăn và mất cân đối; từng bước cải thiện đời sống của nhân dân; tăng cường thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, hoàn thành chương trình định canh, định cư, phát triển sản xuất, nâng cao trình độ văn hóa xã hội; tăng cường củng cố an ninh - quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc biên giới và làm tốt nghĩa vụ quốc tế đối với tỉnh Mondulkiri (Campuchia).
Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, quyết tâm của các Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, toàn tỉnh đạt được những thành tích đáng kể, gắn công tác xây dựng Đảng với việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và phát triển kinh tế với củng cố, giữ vững an ninh - quốc phòng. Tuy nhiên, những tháng cuối năm 1981, thời tiết không thuận lợi, nắng hạn, lũ lụt kéo dài ảnh hưởng không tốt đến sản xuất nông nghiệp; đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn nhiều phức tạp.
Vòng 1: Đại hội đã thảo luận, góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo về công tác xây dựng Đảng, Điều lệ Đảng sửa đổi bổ sung do Ban Chấp hành Trung ương khoá IV soạn thảo, trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V; bầu Đoàn Đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng gồm 13 đồng chí.
Vòng 2: Đại hội nghiêm túc kiểm điểm những hạn chế trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII đề ra, đánh giá ưu, khuyết điểm trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng bộ.
Đại hội đề ra nhiệm vụ trong ba năm (1983 - 1985) là: Xây dựng chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó, nhiệm vụ cơ bản là phải tập trung vào sản xuất nông nghiệp toàn diện, chủ yếu là lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó, phát triển ngành công nghiệp chế biến và ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân.
Trước những hành động phá hoại, xâm lược của các thế lực thù địch, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/2/1977 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục giải quyết vấn đề FULRO, bảo vệ vững chắc biên giới.
Các cấp bộ đảng trên địa bàn tỉnh đã lãnh đạo quân và dân mở các cuộc truy quét FULRO và chiến đấu chống lại các đợt xâm lấn biên giới của bọn Pôn Pốt - Iêng Xary. Sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang và phong trào đấu tranh của quần chúng, kết hợp ba biện pháp chính trị, vũ trang, kinh tế đã giúp Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đánh bại một bước thế và lực của địch, tiêu diệt và làm tan rã hàng nghìn tên FULRO.
Cùng với việc truy quét FULRO, củng cố an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc biên giới, Đảng bộ, chính quyền tỉnh tập trung lãnh đạo xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Từ ngày 16 đến ngày 20/1/1979, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh họp Hội nghị mở rộng, đánh giá tình hình an ninh - quốc phòng và kết quả xây dựng, phát triển kinh tế năm 1978, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 1979 là: Chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc biên giới, đẩy mạnh sản xuất, ra sức phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.
Đại hội tiến hành kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII trên tất cả các lĩnh vực quốc phòng - an ninh; xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; công tác xây dựng Đảng. Trên cơ sở phân tích ưu, khuyết điểm, Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho những năm 1980 - 1981 là: Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, công nghiệp; lấy nông nghiệp là hàng đầu, lương thực là mục tiêu số 1, đồng thời chú trọng sản xuất thực phẩm và hàng tiêu dùng; đẩy mạnh tiến công, truy quét bọn phản động, đặc biệt là FULRO; phát động phong trào cách mạng của quần chúng, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; ra sức xây dựng và củng cố tổ chức Đảng và hệ thống chính quyền vững mạnh. Đại hội cũng đề ra mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch cụ thể trên tất cả các lĩnh vực.
Sau khi Gia Nghĩa được giải phóng, ngày 24/3/1975, Đức Xuyên là phần đất cuối cùng được giải phóng. Thời điểm này, huyện Khiêm Đức và Gia Nghĩa vẫn trực thuộc tỉnh Lâm Đồng, các huyện Đức Xuyên, Đức Lập trực thuộc tỉnh Đắk Lắk, huyện Kiến Đức trực thuộc tỉnh Phước Long.
Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đất nước bước vào thời kỳ mới - thời kỳ độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là thuận lợi cơ bản và là nguồn động lực tinh thần để Đảng bộ, nhân dân Đắk Lắk nói chung, Đảng bộ, nhân dân trên địa bàn Đắk Nông nói riêng cùng cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong không khí cả nước mừng chiến thắng, Bắc - Nam sum họp một nhà, tháng 5/1975, Trung ương Cục miền Nam quyết định tái lập lại tỉnh Quảng Đức, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 10 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Tuấn (Ama Đăng) làm Bí thư, Nguyễn Tùy (Năm Tùy) làm Phó Bí thư và các Ủy viên: Bùi Đức Thành (Năm Nhân), Tỉnh đội trưởng; Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, Trưởng ty Công an; đồng chí Lê Thanh Sơn (Tư Sơn), Trưởng ty Nông - Lâm; đồng chí Trường Sơn, Trưởng ty Tài chính; đồng chí Nguyễn Đình Khai, Trưởng ty Vật tư; đồng chí Nguyễn Kim Tuấn, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; đồng chí Lê Tuấn Hưng, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền và đồng chí Cáp Sinh Cung, Bệnh viện trưởng tỉnh.
Ngay sau khi tái lập, Tỉnh ủy Quảng Đức chỉ đạo các cấp nhanh chóng ổn định tổ chức, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, xây dựng đời sống mới. Tỉnh ủy đề ra kế hoạch từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh; thành lập Ban chỉ đạo truy quét FULRO và tổ chức lực lượng tấn công, tiêu diệt, bao vây, đánh vào các mục tiêu trọng điểm của chúng. Những hoạt động của Ban chỉ đạo bước đầu đã ngăn chặn được âm mưu gây bạo động của bọn phản động.
Ngày 25/9/1975, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III về chủ trương củng cố, kiện toàn lại các đơn vị hành chính trên toàn miền Nam cho phù hợp với tình hình cách mạng trong giai đoạn mới, tỉnh Quảng Đức sáp nhập vào tỉnh Đắk Lắk. Tháng 11/1975, huyện Khiêm Đức sáp nhập với huyện Kiến Đức thành huyện Khiêm Kiến Đức. Ngày 15/1/1976, Ban Thường vụ huyện đã có cuộc họp để thống nhất các nhiệm vụ mới, trong đó có việc đổi tên huyện Khiêm Kiến Đức thành huyện Đắk Nông.
Đến cuối năm 1975, toàn Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk có 216 tổ chức cơ sở đảng với 2.456 đảng viên, trong đó có 145 đảng viên dự bị.
Vòng 1: Các đại biểu sôi nổi thảo luận và đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III trình Đại hội Đảng lần thứ IV; Dự thảo Điều lệ Đảng (sửa đổi).
Vòng 2: Đại hội xác định phương hướng chung đến năm 1980 là xây dựng tỉnh Đắk Lắk thành một tỉnh có cơ cấu nông - lâm - công nghiệp, vững mạnh về chính trị, kinh tế, quốc phòng. Trong đó, nhiệm vụ xây dựng kinh tế là trung tâm, nhiệm vụ truy quét các thế lực phản động là đột xuất, cấp bách. Hai nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị và xây dựng kinh tế có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Về phương hướng, nhiệm vụ những năm trước mắt, Đại hội chỉ rõ: Gắn chặt nhiệm vụ kinh tế với quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội. Khôi phục và phát triển kinh tế" ở những vùng trọng yếu. Chú trọng phát triển cây lương thực, thực phẩm. Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Đại hội đề ra bốn công tác lớn trong năm (1978 – 1979): Một là, phát động phong trào cách mạng trong quần chúng tiến công đánh bại, làm tan rã lực lượng phản động; xây dựng và củng cố lực lượng chính trị và vũ trang vững chắc ở các xã, phường, thôn, buôn và các địa bàn huyện; củng cố an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội; bảo vệ biên giới, củng cố quốc phòng toàn dân. Hai là, xây dựng, cải tạo kinh tế, văn hóa và từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Ba là, kiện toàn Nhà nước xã hội chủ nghĩa, xây dựng và củng cố các đoàn thể quần chúng, phát huy vai trò làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Bốn là, tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao sức chiến đấu, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh.
Bị thất bại liên tiếp trên cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam, đế" quốc Mỹ chuyển sang chiến lược mới: “Việt Nam hóa chiến tranh”; mục tiêu cơ bản của chiến lược này là từng bước rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, giữ nguyên chính quyền ngụy, tiến hành đồng thời chiến tranh giành dân, bóp nghẹt và hủy diệt; đồng thời thực hiện chính sách ngoại giao xảo quyệt để chống phá cách mạng Việt Nam.
Ở Tây Nguyên, địch tăng quân để đối phó, nhất là ở Đức Lập với 3 tiểu đoàn lính Mỹ; chúng tăng cường hành quân hỗn hợp, tăng phi pháo và rải hóa chất độc vào vùng giải phóng, vùng căn cứ của ta, tiếp tục tăng cường phòng thủ bảo vệ Gia Nghĩa, các quận lỵ, các ấp chiến lược và trên các trục lộ giao thông.
Trước tình hình đế quốc Mỹ triển khai chiến lược chiến tranh mới tàn bạo và thâm độc, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bước vào một giai đoạn chiến đấu đầy gay go và phức tạp. Trong Thư chúc Tết Kỷ Dậu năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi Nhân dân cả nước ra sức chiến đấu để: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".
Trước những yêu cầu cấp thiết của giai đoạn cách mạng mới, ngày 06-6-1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam họp và thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Từ đây, tại các vùng căn cứ và vùng giải phóng, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, bên cạnh Mặt trận Dân tộc giải phóng còn có hệ thống chính quyền hợp pháp từ huyện xuống cơ sở xã, buôn, đảm nhiệm việc quản lý nhà nước tại địa phương.
Giữa lúc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai miền Nam - Bắc đang giành được những thắng lợi quan trọng trên mặt trận chính trị, kinh tế, quân sự và ngoại giao, một đau thương, mất mát vô cùng lớn lao đối với toàn Đảng và dân tộc ta - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc ta qua đời ngày 2/9/1969 tại Hà Nội. Trước những yêu cầu cấp thiết của giai đoạn cách mạng mới, ngày 6/6/1969, Đại hội Đại biểu quốc dân miền Nam họp và thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Trong 7 ngày làm việc, Đại hội nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá tình hình, chỉ rõ những thành tích đạt được cũng như những yếu kém, khuyết điểm của Đảng bộ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Quảng Đức, đặc biệt là từ sau cuộc Tổng tấn công Mậu Thân năm 1968; đồng thời, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho những năm tiếp theo là phát huy những thắng lợi đã giành được, tiếp tục giữ vững phong trào trong tỉnh, đẩy mạnh hoạt động chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch, chống bình định lấn chiếm, giành giữ dân, giữ vững vùng căn cứ và mở rộng vùng giải phóng, tăng cường công tác xây dựng Đảng các cấp, xây dựng Đảng bộ vững mạnh về mọi mặt.
Tổng biên tập: Vũ Ngọc Tú;
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Phi Long, Nguyễn Văn Hải
Giấy phép số 139/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17 tháng 03 năm 2022
Bản quyền thuộc về Báo Đắk Nông điện tử.
Nghiêm cấm sao chép khi chưa có văn bản đồng ý dẫn nguồn từ Báo Đắk Nông.
Địa chỉ: Đường Trần Hưng Đạo, Thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông
Điện thoại: (02613) 544244 - 544476 - 544938. Fax: (02613) 544476
Email: bdn@daknong.gov.vn, tsbaodaknong@gmail.com
Bạn vui lòng nhập mật khẩu cũ và mật khẩu mới để hoàn tất
Bạn vui lòng chọn ảnh dung lượng không quá 300kb, kích thước không quá 500px