cover image

Bản giao hưởng
của
làn gió mới

map
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
  • image

    1. Giới thiệu

    Giới thiệu

    Công viên Địa chất Đắk Nông có diện tích 4.760 km2, bao gồm các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’long và thành phố Gia Nghĩa. Với những giá trị di sản đặc sắc mang tầm quốc tế, Công viên địa chất Đắk Nông đã được Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 209 chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO vào tháng 7/2020.

    Lịch sử của vùng đất này bắt nguồn từ 140 triệu năm cách ngày nay, khi nơi đây còn là một phần của đại dương rộng lớn với các dấu tích được tìm thấy như đá trầm tích, hóa thạch cúc đá và các loại hóa thạch khác. Do các vận động kiến tạo của lớp vỏ Trái đất, khu vực này được nâng lên và xuất hiện núi lửa. Chính hoạt động phun trào núi lửa đã che phủ đến một nửa diện tích khu vực này bởi các lớp dung nham bazan. Đáng ngạc nhiên là, cách đây khoảng 10.000 năm, núi lửa vẫn còn hoạt động, tạo nên hệ thống hang động núi lửa độc đáo, đồ sộ nhất khu vực Đông Nam Á, trong đó đặc biệt đã phát hiện được dấu tích cư trú của người tiền sử từ khoảng 10.000 năm cách ngày nay.

    Đây cũng là quê hương của 3 dân tộc bản địa Mạ, M’nông, Êđê. Vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, nhiều dân tộc phía Bắc đã di cư đến Đắk Nông lập nghiệp, biến nơi đây thành vùng đất đa sắc màu văn hóa của hơn 40 dân tộc. Bên cạnh đó, vùng đất Đắk Nông còn là một phần của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đã được tổ chức UNESCO công nhận là “Kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” năm 2005. Trong đó đáng chú ý có việc phát hiện ra bộ đàn đá cổ được chế tác từ đá bazan có niên đại khoảng 2.500 năm – là một trong những nhạc cụ lâu đời nhất của nhân loại. Trong âm thanh rộn ràng của cồng chiêng, sử thi và các nhạc cụ dân tộc, hòa cùng tiếng gió reo, thác đổ, tiếng cỏ cây hoa lá, tiếng núi lửa phun trào và cả những âm vang hào hùng của những bản tráng ca lịch sử, đàn đá nổi bật lên như là biểu tượng của sự kết tinh các âm điệu trong vùng Công viên Địa chất Đắk Nông.

  • image

    2. Núi lửa Băng Mo

    Núi lửa Băng Mo

    Núi lửa Băng Mo nằm ở thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jút. Núi lửa này gắn liền với câu truyện truyền thuyết của người dân bản địa liên quan tới tín ngưỡng đa thần.

    Các nhà khoa học đã tìm thấy ít nhất hai miệng núi lửa gần khu vực này, hoạt động phun trào đã tạo nên một lớp phủ bazan lên bề mặt đá trầm tích (cát kết, bột kết, đá phiến) với diện tích khoảng 4,2km2.

    Miệng núi lửa có niên đại lớn hơn thường khá rộng đường kính lên đến 673m, chiều cao 82m, có độ cao khoảng 420m trên mực nước biển. Tại khu vực này không tìm thấy xỉ, tro hay bom núi lửa. Với độ dốc vào khoảng 10o, đây được xem là núi lửa già có niên đại khoảng từ 800.000 đến vài triệu năm tuổi. Đá bazan trong khu vực này hiện đã bị phong hóa hoàn toàn thành đất đỏ, rất phù hợp với để trồng cà phê và các cây công nghiệp.

    Núi lửa Băng Mo trẻ hơn, được bảo tồn tốt hơn với hình dạng tương đối tròn và rõ nét, đường kính 242m, cao 40m và dốc 15o ở độ cao khoảng 407m trên mực nước biển. Miệng núi lửa khá tròn trịa và có thể tìm thấy xỉ, tro, đá và bom núi lửa ở khu vực này, là điển hình của kiểu phun trào trung tâm. Với bề mặt đá mới bị phong hóa 1 phần (những khối đá bazan còn tươi vẫn nằm rải rác trên bề mặt miệng núi lửa) và hình dạng miệng núi lửa vẫn còn rõ nét, chứng tỏ núi lửa này khá trẻ, có niên đại từ 200.000-600.000 năm.

  • image

    3. Cầu Sêrêpốk

    Cầu Sêrêpốk

    Năm 1898, người Pháp đưa quân xâm chiếm Tây Nguyên, lần lượt mở rộng đánh chiếm toàn bộ cao nguyên Đắk Lắk. Năm 1904 thực dân Pháp bắt tay xây dựng bộ máy thống trị, thành lập đơn vị hành chính tỉnh Đắk Lắk theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, chia cao nguyên Đắk Lắk thành năm quận.

    Trong quá trình xâm lược khu vực Tây Nguyên, nhận thấy sự khó khăn trong việc di chuyển trên con đường huyết mạch ảnh hưởng ý đồ bá chủ vùng Cao nguyên rộng lớn, đồng thời rút ngắn thời gian đi lại và thuận lợi cho việc xâm chiếm mở rộng lãnh thổ, năm 1941 chính quyền thực dân Pháp quyết định xây dựng cây cầu Sêrêpốk, sau khoảng 16 năm (năm 1957) chính quyền Pháp dùng thân mình các tù chính trị, người dân địa phương xây dựng cầu. Trong buổi lễ khánh thành, để chứng minh sự an toàn của cây cầu, phu nhân kỹ sư người Pháp đã tặng cho cô gái Êđê trẻ đẹp nhất vùng một đôi giày cao gót và cùng cô mặc trang phục truyền thống của người Êđê, đi bộ qua cầu. Cây cầu được chính quyền Pháp đặt tên là cầu 14 (cầu trên tuyến đường 14), còn người dân địa phương đặt tên là cầu Sêrêpốk (cầu bắc qua sông Sêrêpốk).

    Bước sang giai đoạn chống Mỹ (1954-1975), tuyến đường 14 được đế quốc Mỹ và ngụy quyền khai thác triệt để với lực lượng lính chư hầu, ngụy quyền làm chốt chặn nhằm kiểm soát gắt gao hai bên cầu 14, ngăn chặn mọi nguồn lực của quân đội Việt Nam. Và cũng chính nơi đây, quân và dân ta mở mũi tiến công quan trọng tiến về giải phóng Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), hướng về Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

    Từ năm 1975 đến năm 2015, cầu 14 vẫn chứng kiến và cùng nhân dân Tây Nguyên xây dựng và phát triển kinh tế.

    Với nhu cầu đi lại ngày càng cao, chính quyền tỉnh Đắk Lắk quyết định xây dựng một cây cầu mới song song với cây cầu Sêrêpốk, cầu mới hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1992. Năm 2014, tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông tiếp tục xây cây cầu thứ 3 nằm giữa hai cây cầu cũ và mới, hai cây cầu 14 mới tiếp tục giữ vị trí giao thông huyết mạch trên quốc lộ 14. Cầu Sêrêpốk cũng kép lại sứ mệnh lịch sử của mình cùng chứng kiến sự thay da, đổi thịt của vùng đất Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông nói chung. Hiện nay, cầu Sêrêpốk vẫn còn khá nguyên vẹn dù trải qua gần 80 năm tồn tại. Mặc dù cầu 14 đã không còn được sử dụng, nhưng trong ký ức của nhiều thế hệ người dân địa phương sống hai bên sông nói riêng, cả nước nói chung vẫn trân trọng và gìn giữ cho mai sau.

  • image

    4. Buôn văn hóa Ê-đê

    Buôn văn hóa Ê-đê

    Ê-Đê là dân tộc sinh sống lâu đời trên mảnh đất Tây Nguyên, thuộc nhóm chủng tộc Austronesia. Tiếng Ê-Đê thuộc phân nhóm ngôn ngữ Chăm, thuộc ngữ chi Malay-Polynesia của ngữ hệ Nam Đảo.

    Cộng đồng người Ê-Đê theo chế độ mẫu hệ, sống chủ yếu ở phía Đông của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông (chủ yếu là nhóm Ê-Đê Kpă), sinh sống tại các buôn Nui, Buôr, Trum và Ea Pô, huyện Cư Jút. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi gia súc, trồng hoa màu, cây nông nghiệp và cây công nghiệp.

    Buôn Nui viết theo chữ Ê-Đê là buôn Hnui, được lấy tên theo dòng suối Ea Hnui (nghĩa là "nguồn nước muộn"). Bon được hình thành từ năm 1965 sau khi đế quốc Mỹ tiếp tục dồn đồng bào Ê-Đê về giáp cầu 14 (cạnh sông Sêrêpôk) để lập ấp chiến lược. Năm 1975 thống nhất đất nước, đồng bào Ê-Đê Kpă chọn nơi đây để an cư sinh sống, sau này Buôn Nui tách thành 04 buôn: Nui, Buôr, Trum và Ea Pô như hiện nay.

    Văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Ê-Đê Kpă rất đa dạng và phong phú, các giá trị di sản này được thể hiện rõ nét qua kiến trúc nhà dài (hình dáng như một chiếc thuyền) hay những chiếc ghế dài kpan cùng các lễ hội và nghi truyền thống như lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới,… Ngoài ra, người Ê-Đê còn bảo tồn khá nguyên vẹn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nổi bật là kỹ thuật dệt Kteh với các hoa văn đặc trưng, phức tạp, màu sắc chủ đạo đen, đỏ. Đặc biệt, cồng chiêng Ê-Đê đã góp phần vào Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được tổ chức UNESCO công nhận là “Kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” năm 2005 và trở thành “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” năm 2009. Cách diễn tấu chiêng của người Ê-Đê cũng hoàn toàn khác so với các dân tộc khác trong vùng văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên với lối đánh bằng dùi vào mặt trong của chiêng tạo nên những tiết tấu nhanh, mạnh và phức hợp. Bên cạnh đó, sự góp mặt của trống H'Gơr trong diễn tấu chiêng cũng tạo nên màu sắc âm nhạc hết sức đặc trưng cho văn hoá cồng chiêng Ê-Đê.

    Truyền thống văn hóa, lịch sử của người Ê-Đê luôn được hòa quyện, tiếp nối và bồi đắp qua nhiều thế hệ đã góp phần gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa mãi về sau.

  • image

    5. Vườn xoài

    Vườn xoài

    Xoài là một loại trái cây phổ biến ở châu Á, có hương vị ngọt, thơm đặc trưng. Rễ xoài vươn sâu xuống lòng đất để hấp thụ nước và các dưỡng chất, vì thế cây vẫn có thể sống tốt trong điều kiện khô hạn kéo dài. Thông thường, cây xoài phát triển tốt trong đất cát ở nhiệt độ khoảng 24-27oC, sau khi trồng ba năm là có thể cho quả.

    Ở Việt Nam, xoài được trồng nhiều ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Ở Đắk Nông cũng vậy, xoài được trồng rất nhiều, nhất là ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, với diện tích khoảng 800ha xoài các loại, chủ yếu là xoài Cát, xoài Tượng, xoài Thái và xoài Đài Loan, sản lượng khoảng 2.400 tấn/năm.

    Xoài Đắk Gằn ngoài sản lượng thì còn nổi tiếng bởi chất lượng. Đất ở đây chủ yếu được phong hóa từ các loại đá trầm tích (cát kết, bột kết, đá phiến), giá trị dinh dưỡng thấp nhưng bù lại có nguồn nước ngầm dồi dào và thoát nước tốt, rất phù hợp với sự phát triển của cây xoài. Lớp đất bazan mỏng (dày 30-50cm), sẫm mầu, giầu sắt phủ trên mặt, là sản phẩm phun trào núi lửa khoảng 200.000-300.000 năm trước, cung cấp thêm dinh dưỡng xoài phát triển, làm nên chất lượng của nó.

    Xoài Đắk Gằn được cho là phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương, giúp dân xóa đói, giảm nghèo hiệu quả. Chính quyền xã đã vận động, hỗ trợ bà con thành lập Tổ hợp tác trồng xoài thôn Tân Lợi, với tổng diện tích 20ha. Hiện nay, xoài Đắk Gằn đã có mã QR, đạt chứng nhận VietGAP, OCOP và sắp tới sẽ có mã vùng trồng. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng cũng đang xúc tiến tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho xoài Đak Gằn, nhất là Trung Quốc và khu vực châu Âu.

    Vườn xoài hiện tại là của gia đình ông Nguyễn Văn Hợi, được trồng từ năm 2008 trên diện tích 1,3ha, được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap để tạo ra trái xoài chất lượng cao, mỗi năm thu hoạch hai vụ, tạo thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm.

    Đến thăm vườn xoài này, du khách vừa thưởng thức trái cây thơm ngon vừa có cơ hội tìm hiểu thêm về địa chất - đặc biệt là đá nền, lớp phủ bazan và đá cột bazan đặc trưng của vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

  • image

    6. Các pha phun trào bazan

    Các pha phun trào bazan

    Cây xăng Phúc Lâm ở huyện Đắk Mil là một điểm đến khá thú vị trong hành trình tìm hiểu di sản địa chất của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Mặc dù thực tế đây chỉ là một trạm xăng do tư nhân đầu tư xây dựng để cung cấp nhiên liệu cho các phương tiện qua lại nhưng người chủ đã biết cách bày trí không gian để trưng bày và bán ra các loại sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương như: cà phê, tiêu, ca cao và các loại hàng hóa 24/7. Bên cạnh đó, cây xăng còn có khu vực trưng bày các loại cây cảnh và đá quý hiếm, xứng đáng là điểm dừng chân trên hành trình trải nghiệm “Bản giao hưởng của làn gió mới”.

    Điều đáng chú ý là, việc khai thác đá ở khu vực này đã để lộ ra một mặt cắt đẹp, được quản lý tốt. Có thể quan sát ở đây ít nhất hai pha phun trào núi lửa cổ có niên đại từ 800.000 đến vài triệu năm trước. Pha đầu tiên, ở phần dưới của mặt cắt ngang, bao gồm đá vụn núi lửa và tro núi lửa đã phong hóa hoàn toàn, v.v ... Phần phía trên là pha phun trào trẻ hơn với các cột bazan đa giác khổng lồ có đường kính khoảng 1m và cao từ 3-4m, đang bị phong hóa một phần. Phần trên cùng là lớp bazan đã bị phong hóa hoàn toàn thành đất đỏ, dày khoảng 0,5m. Ngay bên dưới là đá bazan bị phong hóa mạnh, mặc dù phần lớn đã biến đổi thành đất, song vẫn có thể quan sát được cấu trúc của nó. Tiếp đến là lớp bazan phong hóa yếu hơn và mức độ phong hóa giảm dần cho đến khi bazan còn tươi nằm ở đáy của giai đoạn này và ngay trên đỉnh của pha phun trào cổ hơn.

    Mặt cắt trải dài hơn trăm mét bên cạnh và nằm phía sau cây xăng, làm cho nơi đây trở thành một điểm dừng chân lý tưởng để chiêm ngưỡng vết tích các giai đoạn phun trào núi lửa, ngắm nhìn các cột đá bazan khổng lồ và giúp du khách hiểu hơn về kiến tạo địa chất nơi đây.

  • image

    7. Rừng cao su

    Rừng cao su

    Cây cao su ban đầu chỉ mọc tại khu vực rừng nhiệt đới Amazon. Cách đây gần 10 thế kỷ, thổ dân Mainas sống ở đây đã biết lấy nhựa của cây để tẩm vào quần áo chống ẩm ướt, tạo ra những quả bóng để chơi trong các lễ hội. Họ gọi nhựa này là Caouchouk, theo Thổ ngữ Mainas nghĩa là “Nước mắt của cây”.

    Nhu cầu cuộc sống tăng lên, cùng với việc phát minh ra công nghệ lưu hóa (năm 1839) tạo nên một loại nhựa cao su bền và dẻo hơn, làm bùng nổ nhu cầu sử dụng nhựa cây cao su trong khu vực và lan rộng ra toàn thế giới. Các đế quốc đã tăng cường đưa giống cây này trồng và khai thác nhựa cây cao su trên lãnh thổ các nước thuộc địa. Ở Việt Nam cây cao su được người Pháp đưa vào lần đầu tiên tại vườn thực vật Sài Gòn năm 1878 để trồng thử nghiệm nhưng không thành công.

    Năm 1892, khoảng 2.000 hạt cao su từ Indonesia được nhập vào Việt Nam, nhưng đến năm 1920 cây cao su mới chính thức được trồng thành công và nhân rộng ở miền Đông Nam Bộ với khoảng 7.000 ha và sản lượng hàng năm đạt 3.000 tấn.

    Ở Tây Nguyên cây cao su được trồng thử nghiệm vào năm 1923 và phát triển mạnh trong giai đoạn 1960 - 1962, hình thành nên những nông trường cao su rộng lớn. Hiện nay, diện tích trồng cây cao su toàn tỉnh Đắk Nông là 29.643ha, sản lượng trung bình 26.081tấn/năm (số liệu năm 2018 của Cục thống kê tỉnh).

    Cây cao su Việt Nam giữ vị trí thứ ba thế giới về sản xuất và xuất khẩu cao su tự nhiên sau Thái Lan và Indonesia (số liệu của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), năm 2019).

    Ngày nay cây và nhựa cao su ngày càng được sử dụng phố biển, rộng rãi trên nhiều lĩnh vực:

    - Nhựa cây cao su dùng để sản xuất lốp xe, găng tay y tế, đệm và các sản phẩm cao su khác.

    - Thân cây cao su được sử dụng để sản xuất đồ gỗ có giá trị cao do có thớ gỗ dày, ít co, màu sắc hấp dẫn và dễ dàng chế tác thành các sản phẩm đang dạng và phong phú với chất lượng tốt, thân thiện môi trường.

  • image

    8. Di tích Đồi 722 - Đắk Sắk

    Di tích Đồi 722 - Đắk Sắk

    Di tích Đồi 722 - Đắk Sắk là một Trại lực lượng đặc biệt Đức Lập được Mỹ - Ngụy thiết lập năm 1965, cách trung tâm quận Đức Lập (tỉnh Quảng Đức cũ) khoảng 10km về hướng Đông, nay thuộc địa phận thôn Thổ Hoàng 4, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil. Tại đây địch xây dựng các công sự kiên cố, lực lượng luôn cơ động tại chỗ 01 tiểu đoàn được trang bị quân trang vũ khí hiện đại.

    Năm 1968, bộ đội chủ lực phối hợp với quân và dân địa phương nổ súng tấn công quận lỵ Đức Lập cùng một loạt vị trí đóng quân của địch trên toàn tuyến Sapa, Đắk Lao và Đắk Sắk... đồng thời chặn đánh các cánh quân chi viện của địch. Đêm 24/8/1968, căn cứ Trại lực lượng đặc biệt Đức Lập nơi cố thủ cuối cùng của địch đã bị tiêu diệt, đại bộ phận quân chiếm đóng và hệ thống Ngụy quyền từ huyện đến xã tan rã. Tuy nhiên, sau 3 ngày địch huy động tổng lực tái chiếm lại Trại lực lượng đặc biệt Đức Lập.

    Đến ngày 09/3/1975, bộ đội nổ súng tấn công tuyến phòng thủ Đức Lập, sau hơn 3 giờ tấn công, quân ta chiếm căn cứ Sư đoàn 23 của địch, trung đoàn 28 chiếm Núi lửa (núi lửa Nâm Gle - Thuận An hiện nay). Ngày 10/3/1975, cứ điểm Đắk Sắk, Đức Lập bị quân ta xóa sổ hoàn toàn.

    Di tích Đồi 722 - Đắk Sắk ghi dấu ấn nhiều trận đánh ác liệt của lực lượng bộ đội chủ lực, quân, dân địa phương từ năm 1968 - 1975 nhằm tiêu hao sinh lực địch, xóa sổ hệ thống đồn bốt án ngữ phá hoại đường Hồ Chí Minh trên chiến trường Nam Tây Nguyên, đảm bảo bí mật cao nhất cho bộ đội ta hành quân vào Nam giải phóng Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

    Ngày 24/10/2012, di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia

  • image

    9. Nhà Ngục Đắk Mil

    Nhà Ngục Đắk Mil

    Nhà ngục Đắk Mil được thực dân Pháp xây dựng đầu năm 1940, trong một khu rừng già nay thuộc thôn 9A, xã Đắk Lao mục đích là giam giữ, đày ải những chiến sĩ cộng sản cốt cán không thu phục được đang bị giam tại Nhà đày Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Nguyên bản Nhà ngục được thiết kế theo mô típ kiểu nhà dài (nhà sàn) của đồng bào Êđê gồm 9 gian bằng gỗ, mái lợp tranh. Bên ngoài là hàng rào gỗ bao quanh được chèn chặt bằng dây thép gai, 4 góc của nhà ngục có chòi canh gác 24/24.

    Đầu tháng 11/1941, đoàn tù đầu tiên bị đày xuống ngục Đắk Mil gồm 45 tù chính trị được cho là nguy hiểm nhất đối với bọn cai ngục tại nhà đày Buôn Ma Thuột. Tại Ngục Đắk Mil, chi bộ đầu tiên của vùng Cao nguyên M’nông đã ra đời, tạo thêm niềm tin, nghị lực cho các chiến sĩ cách mạng. Nhờ vào mưu trí, các chiến sĩ đã âm thầm tổ chức thành công 2 cuộc vượt ngục, tạo nên tiếng vang lớn trong phong trào cách mạng.

    Cuối năm 1943, nhận thấy không thể đày ải được tù cộng sản tại Ngục Đắk Mil lâu hơn nữa, thực dân Pháp đã chuyển toàn bộ số tù ở Ngục Đắk Mil về Nhà tù Buôn Ma Thuột và tuyên bố phá hủy Ngục Đắk Mil.

    Tháng 5/2005, Nhà ngục Đắk Mil đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử cách mạng Quốc gia. Với giá trị lịch sử đặc biệt, năm 2011 Nhà ngục Đắk Mil đã được phục dựng khánh thành và mở cửa đón khách tham quan. Đây cũng là địa chỉ “đỏ” để các thế hệ học sinh, sinh viên, khách tham quan trong và ngoài tỉnh đến nghiên cứu, học tập.

  • image

    10. Hồ núi lửa

    Hồ núi lửa

    Từ những năm 40 của thế kỷ trước, người Pháp đến vùng đất Đắk Mil trồng cà phê, họ tận dụng thế đất thấp tự nhiên do hiện tượng tạo rãnh từ khe nứt của núi lửa Nâm Gle để tạo thành hồ với mục đích trữ nước tưới cho các đồn điền cà phê rộng lớn. Năm 1982, huyện Đắk Mil đã đầu tư nâng cấp, mở rộng mặt hồ tích nước nhằm cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho huyện Đắk Mil.

    Hồ núi lửa nằm tại khu vực trung tâm của thị trấn Đắk Mil, chu vi hơn 10km, diện tích mặt thoáng khoảng 108 ha với điểm sâu nhất từ 15-17 m; các loài thủy sinh vật vô cùng phong phú với hơn 500 loài (kết quả công bố của các nhà nghiên cứu) trong lòng hồ nổi lên một bán đảo rộng khoảng 120 ha, xung quanh hồ và bán đảo được người dân trồng cây cà phê, ca cao... Hồ núi lửa được xem là một trong những hồ đẹp của vùng đất Tây Nguyên.

    Hoa viên quanh hồ đã được đầu tư một số máy tập thể dục đơn giản để hằng ngày mỗi buổi sáng sớm và chiều tối, người dân trên địa bàn thị trấn đã đến đây dạo chơi, tập thể dục rèn luyện sức khỏe và là nơi để nhân dân gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ cũng như thưởng ngoạn không gian trong lành, mát mẻ.

    Hàng năm, đến rằm tháng Giêng và tháng Bảy tại đây thường diễn ra lễ hội hoa đăng cầu Quốc thái Dân an, thu hút ngày càng đông phật tử và khách thập phương đến dự lễ cùng với người dân địa phương để thưởng thức một lễ hội văn hoá và cùng nhau cầu nguyện cho đất nước, nhân dân thái bình, thịnh vượng.

  • image

    11. Núi lửa Nâm Gle

    Núi lửa Nâm Gle

    Núi lửa Nâm Gle (nghĩa là núi Lồ ô, với tên thường gọi là núi lửa Thuận An) có đường kính miệng (trục dài) khoảng 378m, trục ngắn khoảng 150m; cao khoảng 80m; độ dốc sườn khoảng 200; độ cao địa hình 867m trên mực nước biển. nằm sát quốc lộ 14, thuộc thôn Thuận Hạnh, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, trên nền đất đỏ từ đá bazan phong hóa đã hình thành từ hàng triệu năm trước.

    Đây là một trong năm núi lửa trẻ ở Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, được bảo tồn khá nguyên vẹn, có niên đại khoảng 781 -126.000 năm cách ngày nay. Trên thực tế núi lửa có dạng hình oval kéo dài thành lòng máng hẹp, với sườn Tây Nam lồi và dốc hơn trong khi sườn Đông Bắc thoải dần tạo thành hai bậc. Ngay tại miệng và sườn núi lửa chỉ tìm thấy tro xỉ, bom, các vụn núi lửa nên chưa nhận dạng và khoanh định được các dòng dung nham liên quan, tạm thời mới chỉ kết luận được đây là núi lửa hoạt động theo kiểu khe nứt, phun nổ.

    Ngoài ra, ở phía đông núi lửa Nâm Gle thuộc xã Đắk Mol có một khu vực rộng khoảng 10.000ha “rừng lạnh” có nhiệt độ thấp hơn các khu rừng khác khoảng từ 3-4oC, trong đó có khoảng 4.000ha diện tích đất đã được chuyển đổi sang trồng cà phê, tuy nhiên độ nhiệt ở đây vẫn thấp hơn các vùng xung quanh khoảng 2oC, là bằng chứng góp phần khẳng định độ tuổi khá trẻ của núi lửa này.

    Cách đó không xa, có nhiều mạch nước khoáng giàu khí CO2 đang được khai thác để thu hồi nguồn khí CO2 phục vụ cho việc chế biến nước giải khát. Khi chưa có hoạt động khai thác thì mạch nước này có thể phun cao 15m so với mặt đất. Hiện tượng thoát khí CO2 từ các mạch nước ngầm sẽ làm giảm nhiệt độ khu vực, đây cũng là điều thường gặp ở các vùng núi lửa trên thế giới. Mặt khác, sự tồn tại của các mạch nước khoáng nóng trong khu vực cũng là một dấu hiệu cho thấy vùng đất này đang trong giai đoạn vận động âm ỉ.

    Tương tự như các ngọn núi lửa khác trong vùng Công viên địa chất, núi lửa Nâm Gle cũng gắn liền với truyền thuyết thú vị của người M’nông qua những giai thoại sử thi hấp dẫn, được lưu truyền và kể lại cho thế hệ mai sau.

  • image

    12. Di tích Đường Trường Sơn

    Di tích Đường Trường Sơn

    Đường Trường Sơn (con đường huyền thoại) có tổng chiều dài khoảng 20.000 km, là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược đặc biệt chạy dọc theo lãnh thổ Việt Nam đi qua hạ Lào và Campuchia.

    Trong những năm đầu của cuộc chiến tranh Đông Dương, ba nước liên minh chống thực dân Pháp gồm lực lượng Việt Minh (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), Lào và Campuchia đã lựa chọn và hình thành sơ khai tuyến đường mòn trên dãy Trường Sơn. Trong kháng chiến chống Mỹ (năm 1954), đất nước bị chia cắt làm hai miền Nam-Bắc. Để tiếp tục chi viện cho chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định mở “con đường chiến lược” tuyến đường bộ qua dãy Trường Sơn. Nhưng phải đến tháng 5/1959 Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đoàn 559 với nhiệm vụ khai thông, xây dựng, mở rộng và phát triển tuyến đường thành một mạng lưới phức hợp, đồng thời đặt tên chính thức là Đường Trường Sơn.

    Trải qua 16 năm (1959-1975) hệ thống đường Trường Sơn đã cung cấp binh lực, lương thực và vũ khí khí tài từ miền Bắc vào miền Nam trước sự chống phá khốc liệt của quân đội Mỹ và Ngụy quân dưới sự yểm trợ của những vũ khí tối tân. Tuyến đường đã góp phần to lớn làm thay đổi cục diện thế lực quân sự và đi tới thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam.

    Năm 2000, đường Trường Sơn chính thức được khởi công xây dựng và đổi tên thành “Đường Hồ Chí Minh”

    Di tích lịch sử Đường Trường Sơn tại ngã ba Đồn 8, huyện Đắk Song hiện nay là một điểm nhỏ thuộc một nhánh phía Đông của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Di tích được Binh Đoàn 12, Bộ Quốc phòng lập hồ sơ và xây dựng bia ghi nhớ như hiện nay.

  • image

    13. Điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh

    Điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh

    Ngay sau ký kết Hiệp định Geneve (năm 1954), quân đội Mỹ đã đẩy mạnh các hoạt động chiến sự, đất nước bị chia cắt làm hai miền Nam-Bắc lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Trước tình hình đó, ngày 15/5/1959, Bộ chính trị, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đoàn 559 (Đoàn vận tải chiến lược Bắc-Nam). Ngay sau đó, ngày 25/5/1959, Đoàn công tác đặc biệt B90 ra đời, khẩn trương vào Nam thực hiện sứ mệnh lịch sử “xoi mở” đoạn đường Nam Tây Nguyên (Phước Long) bắt liên lạc với miền Đông Nam Bộ, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

    Trải qua 13 năm (1947-1960) triển khai gây dựng cơ sở, nếm mật nằm gai, vượt bao hy sinh gian khổ ngày 4/11/1960, tại cây số 4 xuyên qua Quốc lộ 14 (thôn Nam Bình, huyện Đắk Song hiện nay) mũi mở đường thứ 2 (Đội II) Đoàn B90 đã bắt liên lạc được với tổ mở đường C270 của lực lượng vũ trang Phước Long-Đông Nam Bộ từ phía Nam đi lên. Từ đây, hai vùng đất chiến lược Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã nối liền, khai thông đường mòn Bắc-Nam mang tên Bác ở cuối dãy Trường Sơn, chấm dứt tình trạng chiến trường bị chia cắt, tạo đà thắng lợi trong việc xây dựng tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn.

    Việc xoi, mở đường khai thông thành công đoạn cuối con đường chiến lược Hồ Chí Minh nối liền Đắk Lắk với Liên khu V, Liên khu VI và miền Đông Nam Bộ, miền Nam với miền Bắc XHCN. Từ năm 1961-1965, tuyến đường Hồ Chí Minh thông suốt, đưa hàng vạn con em đồng bào Nam Bộ tập kết ra Bắc trở lại chiến trường; hàng loạt nhu yếu phẩm, tài liệu, vũ khí, khí tài,... cùng những vật dụng quan trọng đã được các chiến sĩ giao liên tuyến cánh Đông và cánh Tây đưa đón, vận chuyển khẩn trương vào chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ; che chở, tiếp ứng và “xoi” đường cho cán bộ cốt lõi của Đảng vào Nam hoạt động, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống Mỹ.

    Ngày 02/8/2011, điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia và được Thủ tướng Chính phủ công nhận và xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt vào ngày 09/12/2013.

  • image

    14. Thác Lưu Ly

    Thác Lưu Ly

    Tọa lạc tại Khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Nâm Nung thuộc xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, thác Lưu Ly chính là điểm dừng chân lý tưởng dành cho du khách trên hành trình khám phá tuyến tham quan thứ hai “Bản giao hưởng của những làn gió mới”.

    Thác Lưu Ly cao khoảng 20m, nằm trọn vẹn trong một khu rừng già nguyên sinh, gắn liền với một truyền thuyết đẹp về tình yêu. Về giá trị địa chất, thác nằm ở rìa của lớp phủ basalt hệ tầng Trúc Tưng (khoảng 2.58-1,0 triệu năm), gần khối granit batolit phức hệ Cà Ná (khoảng 100 đến 66 triệu năm). Dưới chân thác là basalt lỗ hổng dạng tổ ong. Con thác không quá lớn nhưng dòng chảy trắng xoá tựa như mái tóc của nàng tiên đẹp buông xoã giữa rừng già, cái đẹp không lộng lẫy, dữ dội, mà rất hiền hoà, hoang sơ.

    Hạ nguồn thác Lưu Ly là khu vực giàu đá Sapphire rất nổi tiếng. Sapphire là từ có gốc Hy Lạp, nghĩa là màu xanh, được hình thành ở nhiệt độ và áp suất lớn với cấu tạo chính là Corundum, một dạng của nhôm Ôxit (Al2O3).

    Bên cạnh việc thăm quan thác, khách du lịch có thể trải nghiệm các tuyến đi bộ bên trong rừng tự nhiên, trong đó có hai tuyến tiêu biểu với chiều dài 2,3km với hệ động, thực vật đa dạng.

  • image

    15. Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên

    Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên

    Nằm ẩn mình trong một khu rừng thông bát ngát thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung rộng lớn (hơn 5.000ha, thuộc huyện Đăk Song, tỉnh Đắk Nông), Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên là một cơ sở Phật giáo thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thiền viện được khởi công xây dựng vào năm 2010 trên diện tích khoảng 30 ha; khánh thành giai đoạn 1 vào năm 2018. Hiện tại Thiền viện đang được Đại Đức Thích Đạt Ma Đắc Thịnh trụ trì.

    Các công trình của Thiền viện đều mang đậm nét kiến trúc văn hóa dân tộc, truyền thống, hài hòa với không gian thờ tự, thiết thực cho nhu cầu tín ngưỡng tâm linh và tu học Phật pháp của Tăng ni Phật tử.

    Lân cận Thiền viện có nhiều di tích, danh thắng có giá trị. Cách khoảng 02 kilomet về phía nam là thác Lưu Ly. Phía sau Thiền viện, chếch về hướng Đông Bắc là khu Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV - của lực lượng kháng chiến tỉnh Quảng Đức (cũ) và lực lượng kháng chiến liên tỉnh IV trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1959-1975).

    Với khung cảnh hoang sơ, yên tĩnh, Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên sẽ là điểm dừng chân lý tưởng của du khách mỗi khi muốn quay trở về với Mẹ thiên nhiên.

  • image

    16. Vườn ca cao

    Vườn ca cao

    Cây ca cao có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được người Pháp đưa vào Việt Nam trồng từ trước năm 1954 nhưng do chiến tranh nên không phát huy được giá trị. Hiện nay, cây ca cao được trồng nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ.

    Là cây công nghiệp lâu năm, ca cao được trồng chủ yếu để lấy hạt. Trong hạt có chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, lipit, carbohydrate, glycerin, chất xơ hòa tan và nhiều khoáng chất thiết yếu như sắt, magie, mangan… Hạt ca cao được sử dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực như sản xuất tinh dầu, chế biến thành nhiều sản phẩm bánh kẹo sôcola, bơ ca cao và pha chế nước uống. Vỏ cacao có thể làm phân bón hoặc thức ăn cho gia súc.

    Là một trong những điểm đến trên hành trình trải nghiệm Bản giao hưởng của Làn gió mới, Vườn ca cao Ánh Mai (xã Nâm N’jang, huyện Đăk Song) là một trong những mô hình nông nghiệp hữu cơ tiêu biểu của địa phương. Vườn có tổng diện tích 19,8 ha, trồng 2.700 cây ca cao 4 năm tuổi (tính đến thời điểm năm 2023) xen canh với cây cao su và nhiều loại cây ăn trái khác. Hàng năm thu hoạch được khoảng 40 tấn trái ca cao tươi.

    Mô hình xen canh giúp cây ca cao được phủ mát, giúp giảm công chăm sóc và chi phí tưới tiêu. Đồng thời, vườn còn được chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ, sử dụng phân chuồng đã ủ mục, không xịt thuốc hóa học đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường.

    Dừng chân tại Vườn ca cao Ánh Mai, du khách sẽ có cơ hội được lắng mình trong không gian yên bình, mát mẻ của nhà vườn và thưởng thức những thanh socola thơm ngon được sản xuất từ doanh nghiệp địa phương.

  • image

    17. Kết thúc

    Kết thúc
    image

    Kết thúc Bản giao hưởng của làn gió mới

POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bản giao hưởng của làn gió mới